Đề nghị Quốc hội công khai báo cáo về Biển Đông trước toàn dân
Quốc hội dành thời gian chưa tương xứng cho Biển Đông
Trước đó đề cập đến vai trò giám sát của Quộc hội, cử tri Đỗ Minh nói: “Chúng tôi yêu cầu Quốc hội tăng cường giám sát Chính phủ hơn nữa. Bên cạnh đó cũng phải theo dõi các Bộ trưởng đã từng trả lời chất vấn để xem họ thực thi lời hứa đến đâu”.
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch. |
Trả lời vấn đề này, ông Trần Du Lịch khẳng định đây một trong 3 nhiệm vụ quan trọng nhất của Quốc hội.
“Ngay như TP.HCM, mỗi năm HĐND TP cũng tổ chức nhiều kỳ giám sát các vấn đề đang thực hiện. Quyền giám sát là không có giới hạn, mặc dù tôi là đại biểu của một đơn vị nhưng sẽ thực hiện quyền giám sát ở cả nước. Tôi xin ghi nhận ý kiến của cử tri để phản ánh lên Quốc hội”. – ông Lịch nói.
Bên cạnh đó nhiều ý kiến chất vấn về việc trong năm qua Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng tại Hoàng Sa – Trường Sa, nhưng kỳ họp vừa qua Quốc hội dành thời gian thảo luận chưa tương xứng.
Cử tri cũng cho rằng đây là vấn đề quan trọng của an ninh quốc gia, nên đề nghị kỳ họp Quốc hội lần sau phải dành thời gian nhiều hơn và Quốc hội công khai báo cáo về Biển Đông trước toàn dân.
Liên quan đến vấn đề này, cử tri Quang Thiều nói: “Phải để cho người dân biểu thị ý kiến của mình bằng biểu tình. Khi Trung Quốc xây đảo ở Biển Đông người Việt tại nhiều nước đã biểu tình phản đối, nhưng chúng ta lại chỉ nói chuyện khi ngồi trà nước với nhau”.
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, ông Trần Du Lịch đã ghi nhận những ý kiến trên.
“Bức xúc” vì quy định mới khi mua Bảo hiểm y tế
Cũng trong buổi tiếp xúc này, các cử tri cũng lên tiếng về cách thức mua Bảo hiểm y tế theo quy định mới.
Cử tri Thân Thị Nga cho rằng quy định mua Bảo hiểm y tế (BHYT) theo hộ gia đình là chủ trương đúng nhưng gây nhiều băn khoăn, bởi có những gia đình đông người như thu nhập thấp, do vậy nếu mua cho cả nhà sẽ rất khó khăn.
Trước đó trong cuộc tiếp xúc tại quận 1, cử tri Phạm Thị Tím cũng băn khoăn về vấn đề này. Theo bà thì quy định mới khiến người dân “rất bức xúc” vì từ nay muốn mua BHYT thì phải mua cho cả nhà. Trong khi đó cuộc sống của nhiều người rất chật vật.
“Tôi đề nghị chỉ mua cho người ốm và ai có tiền thì mua, không có tiền thì thôi. Vừa rồi thực hiện như vậy tỷ lệ người mua giảm xuống rất nhiều”. – bà Tím nói.
Đại biểu Lịch khi trả lời các chất vấn của cử tri quận 4. |
Giải đáp vấn đề này, ông Trần Du Lịch cho rằng, nguyên tắc của BHYT là người khỏe, người bệnh, người già cùng mua và lấy cái [tiền] của người khỏe để nuôi người bệnh.
“Tức là tỷ lệ xác xuất giữa người bệnh và người đóng phải ít thì mới duy trì được. Nhưng ta hiện nay thì đa số người già và người bệnh mua, còn người khỏe không mua, mà người khỏe không mua thì lấy tiền đâu mà nuôi người bệnh”. – ông Lịch nói.
Cũng theo ông thì việc ngành y tế khuyến khích người khỏe mua cũng là có lý do. “Một trong số đó là chúng ta muốn có BHYT toàn dân, nhưng thu nhập trung bình của chúng ta mới có vài ngàn [USD] thôi, thành bây giờ bỏ công sức ra hỗ trợ nên mức bảo hiểm thấp, mà mức đóng góp thấp thì không thể nào có mức bảo hiểm cao”. – ông Lịch tiếp tục.
Tuy nhiên ông Lịch cũng cho biết: “Vấn đề này Bộ y tế cũng đang xem xét, còn chuyện bắt buộc họ mua theo kiểu như hiện nay là hành chính hóa, cái này phải để tự nguyện”.
Trước đó trong phần trả lời của mình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng chia sẻ về vấn đề này: “Người ta không mua, mình ép người ta mua cũng không được. Nhưng chỉ toàn người bệnh đi mua cũng không được. Đây là vấn đề đại sự mà chúng ta cần tìm giải pháp”. – Chủ tịch nước nói.