Đề nghị đưa Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) vào năm 2014
Do “bộc lộ những vấn đề vướng mắc, bất cập” nên đòi hỏi sự cần thiết phải ban hành Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Tờ trình về điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 vừa được trình Quốc hội với nhiều nội dung khác nhau. Các dự án được xây dựng trên cơ sở báo cáo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm chuẩn bị dự án hoặc đề xuất xây dựng dự án. Trong đó có Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) được kiến nghị đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 |
Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về tiếp tục đổi mới tổ chức hoạt động bộ máy nhà nước, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, trong sạch, vững mạnh; tổ chức Chính phủ tinh gọn và hợp lý; tăng cường dân chủ và pháp quyền trong điều hành của Chính phủ...
Từ định hướng nêu trên của Đảng, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính phủ, việc xem xét và điều chỉnh sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Chính phủ trong giai đoạn hiện nay là cần thiết và thuận lợi trong điều kiện nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.
Đánh giá hoạt động của Chính phủ theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 trước yêu cầu của Nghị quyết Đại hội X và XI của Đảng và so với thực tế tình hình phát triển chung của đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế đã bộc lộ những vấn đề vướng mắc, bất cập chưa giải quyết được và chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về quản lý đất nước trong giai đoạn hiện nay, cụ thể:
Các quy định của Luật tổ chức Chính phủ có một số nội dung quy định về chức năng nhiệm vụ đã có nhiều điểm chưa theo kịp với tiến trình phát triển của đất nước chưa có quy phạm điều chỉnh phù hợp, gây khó khăn trong công tác điều hành của Chính phủ.
Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành chưa có quy định có tính chất nguyên tắc về tổ chức Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo Nghị quyết của Trung ương Đảng. Nội dung phân cấp chưa được cụ thể hóa trong quy định văn bản luật.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên là các Bộ trưởng chưa rõ; vai trò trách nhiệm của thành viên Chính phủ với vai trò trách nhiệm của Bộ trưởng chưa được phân định rành mạch, còn nhiều điểm chung chung, chưa phát huy được hiệu quả hoạt động của thành viên Chính phủ.
Một số nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ đang có nhiều bất cập, chưa phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội và xu thế hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay; thực tiễn đang đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với một số vấn đề đặt rất cấp thiết như: Công tác quản lý đất đai, khoáng sản, tài nguyên quốc gia, tài sản công, vốn của nhà nước trong các doanh nghiệp, quản lý năng lượng và bảo đảm an ninh năng lượng; bảo vệ và cải thiện môi trường....
Một số nội dung nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Nghị quyết Đại hội X và XI của Đảng chưa được cụ thể hóa trong Luật nên chưa có tính khả thi trước yêu cầu thực tế đòi hỏi.
Qua đó tất cả các vấn đề nêu trên cần được xem xét, bổ sung hoàn chỉnh hơn trong một văn bản luật thống nhất, nhằm tạo ra cơ sở pháp lý cao hơn để phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan hành chính nhà nước cao nhất trong giai đoạn hiện nay và có tính ổn định lâu dài trong tương lai.