“Đề nghị đánh giá lại đội ngũ cán bộ, công chức”
Mở đầu phần chất vấn, đại biểu Nguyễn Văn Hiếu nêu câu hỏi: Dù đã thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại nhiều nơi, nhưng vẫn chưa đồng bộ, phụ thuộc vào người đứng đầu. Ông cũng đề nghị cần tăng cường thanh tra những khâu, bộ phận “đang bị dân kêu”.
Đại biểu Huỳnh Công Hùng cũng cho rằng, việc thực hiện cải cách hành chính còn nhiều bất cập. Ông yêu cầu chỉ rõ đâu là vật cản làm cho hiệu quả chậm đáp ứng, đâu là khâu then chốt trong quá trình thực hiện.
Trong khi đó đại biểu Lâm Thiếu Quân chất vấn muốn biết đã có kế hoạch tổng thể về ứng dụng CNTT tới năm 2020 hay chưa? Nếu chưa có kế hoạch tổng thể mà tiến hành thử nghiệm sẽ rất dễ dẫn tới sai sót từ đó tốn kém rất nhiều tiền. Ông Lâm Thiếu Quân cũng đặt câu hỏi: “Khi nào sẽ triển khai hệ thống quản lý tố cáo dùng CNTT".
Ông Lê Hoài Trung trả lời tại phiên chất vấn |
Trả lời chất vấn các nội dung trên, ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thừa nhận, tuy thủ tục hành chính đã đơn giản hóa rất nhiều, song vẫn còn vướng mắc và thường xuyên thay đổi.
Ông Trung cũng cho biết, hiện tại các phần mềm “đang được tự thân thiết kế, mà chưa có chương trình chuẩn liên thông từ trên xuống”. Trong khi đó, nếu chủ động làm trước sẽ không tương thích dẫn đến lãng phí.
Về thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ công chức, ông cũng thẳng thắn thừa nhận “một bộ phận không nhỏ vẫn còn thờ ơ, nhũng nhiễu”. Để khắc phục vấn đề này, trong tuần tới Sở sẽ phối hợp với các ngành liên quan tiến hành kiểm tra đột xuất, nếu phát hiện vi phạm sẽ lập biên bản xử lý ngay lập tức.
Bên cạnh đó những cán bộ 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị cho thôi việc, hoặc chuyển công tác khác. Nhiệm vụ người đứng đầu cũng sẽ được xác định rõ.
Liên quan đến kế hoạch tổng thể về CNTT, ông Trung cho biết, Sở Thông tin – Truyền thông đã thiết kế chương trình chung, từ nay đến năm 2020 sẽ xây dựng chính quyền điện tử và cố gắng đưa vào vận hành sớm nhất trong khoảng thời gian này.
Cũng theo ông Trung, hiện nay nhiều quận, huyện đã áp dụng mã vạch để người dân có thể kiểm tra xem hồ sơ của mình đang được giải quyết tới đâu. Nếu cán bộ giải quyết trả chậm thì phải xin lỗi và cam kết ngày trả.
Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Lê Thái Hỷ |
Bổ sung cho phần trả lời này, ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin - Tuyền thông đề xuất cần phải xem lại thủ tục hành chính đang được cải cách như thế nào, từ đó mới thấy được chỗ nào cần xem lại.
Ông Hỷ cũng nêu khó khăn trong việc thực hiện các giải pháp CNTT khi đội ngũ nhân viên CNTT tại một số quận, huyện chưa có chức danh, do đó những đối tượng này không có chế độ.
Trả lời câu hỏi của một cử tri tại quận Thủ Đức về việc nhân rộng mô hình “chấm điểm” cán bộ công chức, ông Lê Hoài Trung cho biết đang chuẩn bị trình UBND TP mô hình nhân rộng cả về nội dung và số lượng.
Phát biểu thêm về vấn đề này, ông Lê Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, trong công tác cải cách hành chính phải tập trung vào con người. Đây là khâu quan trọng nhất, bởi thủ tục hành chính có cải cách đến mấy mà con người không thay đổi thì cũng không có tác dụng.
Ông Lê Minh Trí - Tập trung vào con người là khâu quan trọng nhất |
Cũng theo ông Trí, trong công tác cán bộ cần phải chú ý hai việc là nâng cao năng lực chuyên môn và thái độ, trách nhiệm trong ứng xử với người dân của cán bộ, công chức.
Tổng kết lại phần chất vấn, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP yêu cầu, trong công tác đánh giá cần phải sâu hơn, thực chất hơn nữa và cần phải lắng nghe ý kiến người dân.
Bà Tâm cũng đề nghị UBND TP đánh giá lại đội ngũ cán bộ, công chức để “tránh tình trạng dễ người, dễ ta, không sát với thực tiễn”.