Đề nghị cung cấp hồ sơ Nhà máy Nước Sông Đuống
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội đã nhận được văn bản đề nghị của Bộ Công an về việc cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến Nhà máy Nước Sông Đuống
Chiều 28/9, nguồn tin của Báo Người Lao Động xác nhận Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội vừa nhận được văn bản của Cơ quan CSĐT Bộ Công an về việc đề nghị sở này cung cấp hồ sơ, tài liệu về việc đầu tư xây dựng dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống (Nhà máy Nước Sông Đuống). Đây là dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt có quy mô lớn nhất miền Bắc. Theo nguồn tin, các cơ quan chuyên môn của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội sẽ cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra theo quy định, trước ngày 30/9.
Lùm xùm giá nước
Theo thiết kế, Nhà máy Nước Sông Đuống (Tập đoàn AquaOne làm chủ đầu tư) được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là nhà máy nước sạch sinh hoạt quy mô cấp vùng, tổng diện tích 65 ha với mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỉ đồng, có công suất 300.000 m3/ngày đêm. Dự án được khởi công từ tháng 3-2017, đến tháng 10-2019 đã hoàn thành giai đoạn 1, đạt công suất 300.000 m3/ngày đêm, vượt tiến độ 1 năm. Theo kế hoạch, đến năm 2030, công suất nhà máy sẽ đạt 900.000 m3/ngày đêm và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm.
Một góc dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống. |
Thời điểm sau khi nhà máy khánh thành giai đoạn 1, dư luận đã ồn ào về nhiều vấn đề liên quan công trình này. Cụ thể, khi đó ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP Hà Nội, đã thông tin tổng mức đầu tư của Nhà máy Nước Sông Đuống gần 5.000 tỉ đồng nhưng công ty này đi vay tới 80%, tương ứng khoảng 3.998 tỉ đồng. Khi nhà máy đi vào hoạt động, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước, phí lãi vay tính vào giá nước khoảng 20%, tức là khoảng 2.003 đồng/m3 nước. Giá nước sạch tạm tính tối đa của nước mặt sông Đuống là 10.246 đồng/m3, trên nguyên tắc "tính đúng, tính đủ" cụ thể là: chi phí sản xuất, chi phí khấu hao, chi phí vay lãi, chi phí quản lý doanh nghiệp (tạm tính 5%), chi phí bán hàng (1%), chi phí thất thoát 18%, lợi nhuận định mức tối thiểu 5%. Trên cơ sở tính toán của liên bộ thì nước sạch sông Đuống có giá tạm tính 10.246 đồng/m3. Đây chỉ là mức tạm tính tối đa, còn cụ thể thì chỉ khi nào nhà máy đi vào hoạt động chính thức. Nếu giá tạm tính là 10.246 đồng/m3 thì cao hơn giá bán lẻ hiện hành (giá bán lẻ 7.000 đồng/m3). Vì vậy, TP Hà Nội đã hiệp thương với Công ty CP Nước mặt Sông Đuống và các đơn vị phân phối, theo nguyên tắc giá bán buôn không được phép cao hơn giá bán lẻ.
Tuy nhiên, sau đó lãnh đạo TP Hà Nội đã đề nghị giám đốc Sở Tài chính nghiêm túc rút kinh nghiệm vì "phát biểu rất sai lầm" trên, đồng thời khẳng định giá nước bán cho người dân từ năm 2013 đến nay không thay đổi. TP có thỏa thuận cho Nhà máy Nước Sông Đuống mức giá nước 10.246 đồng "là để phục vụ cho họ lập dự án".
Chưa nghiệm thu đã cấp nước cho dân
Nhà máy Nước Sông Đuống được đưa vào vận hành cung cấp nước sạch cho người dân từ tháng 9-2019 nhưng đến tận thời điểm cuối tháng 10-2019, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết vẫn chưa hoàn tất quá trình nghiệm thu, trong khi nhà máy này lại đang cung cấp khoảng 150.000 m3 nước sạch/ngày đêm cho người dân Hà Nội sử dụng.
Theo cơ quan chức năng, thời điểm cuối tháng 10-2019, theo quy định của Luật Xây dựng thì chủ đầu tư (Tập đoàn AquaOne) chịu trách nhiệm về việc tổ chức thi công xây dựng công trình, tổ chức quản lý chất lượng công trình và nghiệm thu hoàn thành thi công xây dựng công trình. Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chỉ thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư. Trước đó, Cục Giám định nhà nước đã tiến hành một số lần kiểm tra công tác quản lý chất lượng và công tác nghiệm thu công trình Nhà máy Nước Sông Đuống giai đoạn I, đã thông báo kết quả kiểm tra gửi chủ đầu tư. Hiện tại, công trình đang được vận hành bình thường.
Tuy nhiên, qua một số lần kiểm tra, chủ đầu tư chưa cung cấp đầy đủ các số liệu liên quan việc bảo đảm an toàn đường ống cấp nước, chỉ tiêu cơ lý của đường ống cấp nước, thử áp tuyến ống. Vì vậy, Cục Giám định chưa có văn bản cuối cùng chấp thuận kết quả nghiệm thu nhà máy của chủ đầu tư.
Cũng theo Cục Giám định, dự án Nhà máy Nước Sông Đuống sử dụng 3 loại ống cấp nước là ống gang dẻo, ống thép và ống HDPE. Việc lựa chọn cấu kiện, sản phẩm, vật liệu xây dựng, trong trường hợp này là vật liệu ống cấp nước, thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư và các nhà thầu có liên quan. Do chủ đầu tư chưa hoàn thiện hồ sơ quản lý chất lượng, trong đó có các tài liệu liên quan tới đường ống cấp nước nên Cục Giám định sẽ có ý kiến sau khi nhận đầy đủ các hồ sơ của chủ đầu tư.
AquaOne được giao thêm dự án nước sạch ngàn tỉ
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho người dân trên địa bàn huyện Ứng Hòa, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng phát triển mạng lưới phân phối nước sạch cho các xã thuộc huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai cho liên danh Công ty CP Nước AquaOne và Công ty CP Nước mặt Sông Đuống (Công ty TNHH hai thành viên Phân phối nước sạch huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai) triển khai thực hiện tại Quyết định 3845 ngày 24-6-2017. Trong đó có nội dung xây dựng mới hệ thống cấp nước hoàn chỉnh cho 27 xã thuộc huyện Ứng Hòa chưa có hệ thống cấp nước.
Mặt khác, để đáp ứng nhu cầu dùng nước của nhân dân huyện Ứng Hòa, TP đã giao Công ty AquaOne triển khai dự án Nhà máy Nước Xuân Mai, giai đoạn trước mắt sử dụng nguồn nước mặt sông Đuống, thông qua tuyến truyền dẫn trên đường trục phát triển kinh tế phía Nam và đường 21B để kết nối hệ thống cấp nước bổ sung nguồn cấp cho huyện Ứng Hòa và khu vực dự kiến triển khai trong năm 2019. Nhà máy Nước Xuân Mai là nhà máy có quy mô cấp nước vùng, với công suất 600.000 m3/ngày đêm, tổng công suất dự kiến 900.000 m3/ngày đêm; dự án có tổng mức đầu tư trên 1.000 tỉ đồng.
Theo nld.com.vn