ĐBQH Vũ Hồng Thanh: Phải cho TP.HCM "rộng tay" hơn nữa
Quốc hội đang cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh. Trả lời câu hỏi của báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 14/11 về việc có thể một lúc nào đó Hà Nội và các thành phố trực thuộc Trung ương khác cũng xin cơ chế đặc thù, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Thủ đô Hà Nội đã có Luật Thủ đô, Luật này có hiệu lực còn mạnh hơn so với cơ chế đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh. Các dư địa trong Luật Thủ đô vẫn còn rất nhiều, nên chưa cần phải có một chính sách gì đặc biệt dành cho thủ đô Hà Nội. Còn các địa phương khác, Quốc hội cũng đang cho ý kiến về 03 đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt gồm: Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), và Bắc Vân Phong (Khánh Hòa).
“Nếu đặc biệt nhiều quá cũng không còn là đặc biệt. Nguồn lực của đất nước chúng ta có hạn, chúng ta phải tập trung vào một số nơi có điều kiện phát triển hơn, tạo cơ chế chính sách để nơi đó phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương đó”, ông Vũ Hồng Thanh nói.
Cũng có ý kiến cho rằng thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể trở thành một mô hình thí điểm về thể chế, nhất là để thực thi cơ chế thị trường, giống như mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ áp dụng cho Vân Đồn, Phú Quốc, và Bắc Vân Phong. Ông Vũ Hồng Thanh cho rằng mục đích của việc thực hiện thí điểm này cũng là để thí điểm các cơ chế chính sách, từ thí điểm này nếu thành công có thể nhân rộng ra các địa bàn khác, trước mắt là các đô thị.
Nói về cơ chế đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng Nghị quyết của Quốc hội sau khi đi vào thực tiễn sẽ có tác động rất lớn đến thành phố mang tên Bác, nhất là cơ chế về quản lý tài chính – ngân sách nhà nước.
Dự thảo Nghị quyết Chính phủ trình Quốc hội giao cho TP. Hồ Chí Minh được thực hiện thí điểm đối với Luật thuế tài sản; tăng thuế suất đối với các thuế khác (trừ thu từ hoạt động xuất nhập khẩu); tăng mức phí, lệ phí; ban hành chính sách thu phí, lệ phí mới. Đồng thời quy định UBND thành phố phải lập đề án để trình HĐND thành phố xem xét báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định. Các khoản thu tăng thêm do điều chỉnh chính sách thu trên, ngân sách thành phố được hưởng 100% và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách Thành phố.
“Sẽ có sự tác động rõ ràng hơn để đưa ra một mức thuế nào đó và các đối tượng áp dụng mức thuế như thế nào, các phương pháp tính thuế ra sao, để thành phố Hồ Chí Minh vẫn phát triển, nhưng cũng không làm giảm đi tính cạnh tranh của thành phố”, ông Vũ Hồng Thanh nói.
Bên cạnh kiến nghị cho thành phố giữ lại khoản nộp ngân sách để tăng cường đầu tư cho thành phố, một điểm quan trọng là HĐND thành phố Hồ Chí Minh được quyết định chi trả mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý và mức lương phù hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong khả năng, phạm vi ngân sách của Thành phố.
Ông Vũ Hồng Thanh bày tỏ sự ủng hộ đề xuất này vì khối lượng công việc của cán bộ công chức thành phố Hồ Chí Minh là rất lớn so với các địa bàn khác. Việc tăng thu nhập cho cán bộ công chức là rất cần thiết để tạo động lực khuyến khích các cán bộ công chức làm việc tận tâm, tránh phát sinh việc sách nhiễu đối với người dân, đảm bảo mức lương cơ sở theo quy định nhưng vẫn có tỷ lệ điều tiết để nâng cao thu nhập của cán bộ công chức.
Còn về việc giữ lại ngân sách cho thành phố, cũng như nguồn lực về đất đai, thành phố Hồ Chí Minh có dư địa để phát triển và sử dụng đất đai cũng như nguồn tài chính một cách hiệu quả và khả năng trả nợ của thành phố cũng rất cao. Vấn đề là sử dụng nguồn lực đó sao cho hiệu quả để phục vụ cho sự phát triển của thành phố, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Trong việc thu hút nhân tài cho thành phố, một số ý kiến cho rằng chế độ đãi ngộ chưa đủ hấp dẫn để thu hút người tài, thành phố Hồ Chí Minh cần chủ động hơn nữa trong việc sắp xếp cán bộ, lựa chọn người tài theo hướng đột phá, có thể không cần tuân theo quy trình sắp xếp và bổ nhiệm cán bộ như hiện nay.
Ông Vũ Hồng Thanh cho rằng cũng phải cho thành phố “rộng tay” hơn nữa vì chính quyền đô thị khác với chính quyền nông thôn, chính quyền của khu hành chính kinh tế đặc biệt cũng rất khác.
“Ví dụ quy định của Chính phủ là một địa phương có bao nhiêu Sở, Ngành nhưng thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể có đặc thù, có thể nhiều hơn hoặc ít hơn. Thành phố hoàn toàn có thể tự chủ trong việc xắp xếp bộ máy của mình để đạt hiệu quả công việc ở mức cao nhất”, ông Thanh nói.
Chia sẻ về quan điểm của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Thanh cho biết dự thảo Nghị quyết đã có những đột phá, trong quá trình nghiên cứu, đánh giá, các ĐBQH có thể tham gia đóng góp thêm, những cơ chế chính sách nào không trái với Hiến pháp, không trái với các điều ước quốc tế Việt Nam tham gia, còn các luật lệ khác hoàn toàn có thể điều chỉnh theo cơ chế chính sách đặc thù.