ĐBQH trăn trở chuyện "cả nước đứng bán dưa hấu"
Hầu hết các báo cáo của Chính phủ, kiến nghị của cử tri trong phiên khai mạc Quốc hội sáng 20/5 đều chung một mối bận tâm quanh chuyện nông sản “được mùa rớt giá”, bế tắc đầu ra … làm giảm kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông sản của cả nước thời gian qua.
Bình luận về hiện tượng này với Infonet, ĐBQH Nguyễn Đức Kiên (Đoàn đại biểu Sóc Trăng), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, chuyện nông sản cứ đến “hẹn” lại “được mùa mất giá” đúng là bức xúc của người nông dân, nhưng chúng ta cũng phải nhớ lại câu ngạn ngữ “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.
Ông Kiên nhấn mạnh chuyện phải xem lại phương thức sản xuất của bà con nông dân như trồng hành tím ở Sóc Trăng, trồng dưa hấu ở Quảng Nam, Quảng Ngãi… đã phù hợp trong nền kinh tế quốc tế và thị trường trong nước hay chưa?
“Bà con nông dân đã phối hợp, liên kết với nhau, với các mô hình kinh tế khác để hình thành chuỗi cung ứng trên thị trường nội địa hay chưa? Trong khi đó, chúng ta cứ nhắm mắt lại sản xuất theo ý muốn, thì quy luật của nền kinh tế thị trường sẽ “đè” ngay vào người sản xuất, khi cung nhiều, cầu giảm thì giá phải hạ. Chuyện này là đương nhiên. Nên vì thế, phải hết sức bình tĩnh và phải ngồi xem xét lại trách nhiệm người nông dân, cơ quan quản lý… đến đâu chứ không thể vội vàng đổ lỗi cho một ai đó thì sẽ là phiến diện”- ông Kiên nói.
Cán bộ Bộ Công thương tiêu thụ dưa hấu giúp bà con nông dân Quảng Nam |
Cũng tỏ ra lo lắng về câu chuyện nông sản, ĐBQH Lê Như Tiến (Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Trị), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội nhìn nhận, vấn đề chính là sự liên kết "4 nhà" hiện quá lỏng lẻo. Người nông dân “mắc kẹt” giữa hai khâu: vật tư đầu vào nông nghiệp tăng cao, trong khi sản phẩm đầu ra không tiêu thụ được.
Dẫn lại câu chuyện hàng chục ngàn tấn dưa hấu ùn ứ tại cửa khẩu, rồi dưa hấu, hành tím đổ bỏ tại ruộng vì bán chẳng ai mua,… ông Tiến bày tỏ sự xót xa, trong khi trong hệ thống siêu thị, tại các chợ mỗi kg dưa hấu vẫn có giá vài chục ngàn đồng. “Giá bán tại ngay chợ truyền thống thôi cũng gấp 10 lần giá người nông dân bán ra, chúng ta không thể chấp nhận nổi” – ông Tiến bức xúc.
Chí phí cho khâu trung gian tiêu thụ nông sản quá lớn là nguyên nhân chính được ĐBQH Lê Như Tiến nhắc tới. “Người nông sân sản xuất ra chỉ có 2-3 nghìn/kg, mà đến tay người tiêu dùng sử dụng trực tiếp thì gấp đến 10 lần. Nghĩa là tiêu hao ở khâu trung gian quá lớn. Không chỉ riêng nông sản mà nhiều mặt hàng đều như vậy. Cho nên phải xem lại khâu trung gian. Vẫn có chi phí trong quá trình vận chuyển, lưu thông nhưng không thể nhiều như thế được”- ông phân tích.
Đồng tình với ĐB Tiến, nhưng ĐB Nguyễn Đức Kiên cũng nói thẳng, một phần lỗi trong khâu lưu thông, phân phối nằm ở chỗ “chính người nông dân đã bỏ qua thị trường nội địa.
Ông Kiên đặt câu hỏi: Người nông dân chỉ thích bán hàng cho Trung Quốc, vì sao? Trong khi đó, thị trường trong nước với 90 triệu dân thì lại phải mua giá cao với chính những mặt hàng nông sản sản xuất trong nước. Và khi các mặt hàng này bế tắc đầu ra thì chính thị trường trong nước lại là nguồn tiêu thụ chính, dựa trên những “bàn tay từ thiện”.
“Vấn đề ở đây, bản thân tư tưởng của người nông dân đã “bỏ qua” thị trường nội địa” – ĐBQH Nguyễn Đức Kiên đánh giá và nhấn mạnh, phải đưa công nghiệp hóa vào sản xuất nông nghiệp. Đấy mới là mục tiêu cuối cùng của tái cơ cấu nông nghiệp.
Còn ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu TP. Hồ Chí Minh) thì quả quyết, ngoài đầu tư về vốn cho nông nghiệp thì Chính phủ cũng cần đầu tư con người cho nông nghiệp. “Khi kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng, nông nghiệp nhiều khả năng sẽ là ngành nhận “đòn” đầu tiên nếu chúng ta không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, do sức cạnh tranh của ngành này còn rất yếu.
“Không chừng nông sản Việt sẽ phải cạnh tranh với nông sản ngoại ồ ạt vào khi chúng ta mở cửa. Vì thế, tôi cho rằng, phải đầu tư cả con người cho nông nghiệp, nghĩa là phải có một Phó Thủ tướng chuyên trách, phụ trách mảng này”- ông Ngân đề xuất.