ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng kể chuyện về đối thoại ở Đồng Tâm
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng "đừng nên mổ xẻ, nói quá nhiều về những câu chuyện đó. Anh phải đặt mình vào vị trí ông chủ tịch lúc đó mới hiểu. Chứ anh cứ đi đòi hỏi câu chuyện nọ kia, có đầy ra những chuyện cần bàn thì không bàn cứ đi bàn những chuyện không cần thiết". |
Việc ký vào biên bản là cần thiết
Đây là quan điểm của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng – một trong hai ĐBQH (Nhà sử học Dương Trung Quốc) có mặt tại buổi đối thoại giữa Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung với người dân xã Đồng Tâm (Mỹ Đức) hôm 22/4 vừa qua. Ông cũng là một trong những người ký vào bản cảm kết của Chủ tịch Hà Nội với tư cách người làm chứng.
Chia sẻ với phóng viên Infonet về cảm nhận đối với cuộc đối thoại, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, buổi đối thoại tương đối thành công khi mà sự việc diễn ra trong trật tự, mọi người có ý thức tuân thủ pháp luật trên tinh thần hiểu biết lẫn nhau.
“Chủ tịch Hà Nội trực tiếp xuống đối thoại với người dân xã Đồng Tâm theo tôi là đúng mức, bởi lúc này người dân mới cần đến lãnh đạo chính quyền. Việc xuất hiện của ông Nguyễn Đức Chung lúc này là rất cần thiết.
Có người đặt câu hỏi rằng vậy liệu cuộc đối thoại của Chủ tịch Hà Nội với người dân Đồng Tâm có diễn ra muộn quá không? Tôi cho rằng, không có khái niệm muộn trong việc này nhưng sớm hơn thì tốt hơn. Theo như Chủ tịch Hà Nội nói là chọn thời điểm chín muồi nhưng sớm thì tốt hơn, bởi có những lúc đợi quả chín thì con sâu con bọ nó ăn mất thì sao?”- ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói.
Nói về cam kết của Chủ tịch Thành phố Nguyễn Đức Chung khi “không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm” đang gây “bão mạng” khi cho rằng việc cam kết này không đúng thẩm quyền của người đứng đầu chính quyền Thành phố, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng giải thích: “Người dân đặt ra yêu cầu như thế tại buổi đối thoại, người dân hiểu như thế nào thì người ta viết như thế thôi. Đấy là yêu cầu của người dân, người ta nghĩ rằng yêu cầu đó là chính đáng thì đấy (việc ký cam kết) cũng là biện pháp tình thế. Với mong muốn từ phía chính quyền đưa các chiến sĩ ra khỏi nhà văn hóa. Tôi nghĩ việc ký vào bản cam kết là cần thiết”.
Ngoài ra, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng, xét ở khía cạnh nào đó thì “cũng chả hành vi nào truy cứu tập thể được. Chưa kể đấy là việc làm của toàn phụ nữ. Họ cũng nói trong hội trường, nếu truy tố thì họ đi tù tất”.
Cần đặt mình vào vị trí Chủ tịch thành phố lúc đó
Do đó, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng khẳng định: “Tôi nghĩ có cơ sở để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi về mặt hành vi là có nhưng hậu quả thì chưa để lại điều gì nghiêm trọng, có thể chấp nhận được. Mình nên dựa trên cơ sở, hành vi bắt nguồn từ những bức xúc của người dân nên người ta mới làm chứ không phải người ta chủ động đi bắt công an nhốt”.
Về câu chuyện này, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cũng "nhắn nhủ" thêm rằng, báo chí, mạng xã hội đừng nên mổ xẻ, nói quá nhiều về những câu chuyện đó.
“Anh phải đặt mình vào vị trí ông Chủ tịch lúc đó. Chứ anh cứ đi đòi hỏi câu chuyện nọ kia, có đầy ra những chuyện cần bàn thì không bàn cứ đi bàn những chuyện không cần thiết. Phải vào vị trí của người ta mới hiểu được”- ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Liên quan đến sự việc, ngày 15/4 khi 4 người bị bắt để phục vụ điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng liên quan đến giải tỏa đất ở đồng Sênh, xã Đồng Tâm (Mỹ Đức) thì lực lượng thi hành công vụ gặp phải sự phản ứng của nhiều người dân dẫn đến 38 công an, cán bộ bị giữ.
Tối 17/4, 15 người được thả, 3 người khác tự giải thoát. Chiều 20/4, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, ông Đỗ Văn Đương (Phó trưởng ban Dân nguyện của Thường vụ Quốc hội), đại diện Cục Cảnh sát hình sự... cùng đoàn công tác về làm việc tại trụ sở huyện Mỹ Đức. Ông Chung gọi điện, chờ đợi 3 tiếng, nhưng không người dân Đồng Tâm nào tới dự.
Ngày 22/4, chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã về tận xã Đồng Tâm để đối thoại với người dân. Đầu giờ chiều cùng ngày, trước khi 19 cán bộ, chiến sĩ được thả, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã viết bản cam kết gồm 3 điều với người dân xã Đồng Tâm.
Thứ nhất, Chủ tịch UBND Hà Nội cam kết trực tiếp kiểm tra đoàn thanh tra, chỉ đạo sát sao, làm đúng sự thực, khách quan và đúng pháp luật việc "khu vực đất đồng Sênh đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp, không mập mờ, đảm bảo đúng quyền lợi cho người dân Đồng Tâm, theo quy định của pháp luật".
Thứ hai, không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm.
Thứ ba, cam kết chỉ đạo điều tra, xác minh việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình (83 tuổi, ở xã Đồng Tâm) theo quy định của pháp luật.