"ĐBQH không phải lĩnh vực nào cũng giỏi"
Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với PV Infonet, ĐBQH Bùi Đức Thụ - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, đoàn ĐB tỉnh Lai Châu nêu quan điểm thẳng thắn xoay quanh hoạt động của các ĐBQH tại nghị trường.
ĐBQH Bùi Đức Thụ (tỉnh Lai Châu): "Không nên hình thức hóa, khiên cưỡng quá khi các ĐB không tham dự đủ 100%". |
- Vừa qua, báo chí có phản ánh việc vào cuối kỳ họp, số lượng đại biểu thường vắng khá nhiều. Ông nhìn nhận ra sao vì hiện tượng này?
Đúng là có thực tế này. Tuy nhiên, Quốc hội Việt Nam cũng khác với các nước về việc số lượng ĐB kiêm nhiệm chiếm đa số, trong khi ĐB chuyên trách chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 35%. Ngoài ra, một số ĐB còn là những vị trưởng ngành, lãnh đạo cấp cao tại các địa phương… nên trong thời gian diễn ra các kỳ họp Quốc hội, họ vừa phải đảm đương vai trò điều hành lĩnh vực mình phân công theo dõi, vừa phải đảm bảo trọng trách của một vị ĐBQH trước dân. Cũng không nên hình thức hóa, khiên cưỡng quá khi các ĐB không tham dự đủ 100%.
Tôi cho rằng, tại các phiên thảo luận có thể do nhiệm vụ công việc thì ĐB có thể vắng mặt; song trong các phiên biểu quyết các dự án Luật, Nghị quyết của Quốc hội… thì nên có mặt đủ 100%, bởi đơn giản đây không chỉ là ý kiến của riêng ĐB mà còn là gửi gắm lòng tin của người dân.
- Tại phiên thảo luận tại hội trường Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) chỉ có 6 ĐBQH tham gia phát biểu ý kiến trên tổng số hơn 400 ĐB có mặt. Con số này theo ông nói lên điều gì?
Ý kiến góp ý của ĐB thảo luận góp ý về các dự thảo Luật rất nhiều, không chỉ riêng dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) mà tất cả các dự thảo Luật khác đều vậy. Có thể ý kiến phát biểu ở hội trường ít, nhưng thảo luận ở tổ lại rất nhiều, điều này thể hiện rõ nhất qua biên bản tổng kết ý kiến ĐB thảo luận ở tổ của Ban thư ký kỳ họp.
Tôi cho rằng, việc góp ý vào một dự án Luật là cả một quá trình với thời lượng, thời gian tương đối dài, từ khâu soạn thảo, góp ý, giải trình cho tới thảo luận, biểu quyết…. Như cá nhân tôi cùng tham gia soạn thảo và góp ý vào Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi), để đi đến được ngày thảo luận tại hội trường cũng đã trải qua gần 6 tháng nay.
Do đó, khi đánh giá về số ý kiến của ĐB phát biểu tại hội trường về một dự án Luật nhiều hay ít chỉ là một khía cạnh, mà phải xem xét cả quá trình từ ý tưởng, soạn thảo, góp ý…. cho tới lúc biểu quyết các ĐBQH tham gia như thế nào. Số lượng, chất lượng bao nhiêu và ý kiến của ĐBQH được tiếp thu ra sao. ĐB góp ý nhiều, nhưng ý kiến đó được tiếp thu ít thì sẽ không thể hiệu quả bằng việc ý kiến ít nhưng lại được tiếp thu trọn vẹn.
- Tuy nhiên, cử tri cũng có quyền yêu cầu vị đại biểu Quốc hội do mình bầu ra phải hoạt động tích cực hơn, thưa ông?
Quốc hội bàn thảo và quyết định nhiều vấn đề đa ngành, đa lĩnh vực, Quốc hội của chúng ta là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân nên phải đảm bảo thành phần cơ cấu… Mỗi người đại diện cho giai tầng, tầng lớp lại chỉ được đào tạo theo một chuyên ngành nhất định, nên khi trở thành ĐBQH đòi hỏi các ĐB phải trau dồi thêm kiến thức đa ngành, đa lĩnh vực. Đây cũng là cái khó cho các ĐB, vì không phải lĩnh vực nào anh cũng giỏi, cũng hiểu.
- Theo ông có cần thiết thay đổi nội dung các phiên họp linh hoạt hơn theo chuyên đề để ĐBQH nào quan tâm tới nội dung gì thì sẽ tham dự phiên thảo luận nội dung đó?
Tiến tới chuyên nghiệp nên phải tăng ĐB chuyên trách. Chất lượng họp Quốc hội cũng phải được tăng lên. Nhưng tăng mức độ nào thì phải tính toán trong cân đối chung. Về nguyên tắc làm việc thảo luận và quyết định sẽ theo đa số ý kiến của ĐBQH.
Để khắc phục theo tôi cần tổ chức lại theo hướng có một cơ quan giúp việc, hoặc nếu có khả năng thì cho phép ĐBQH thuê chuyên gia tư vấn để giúp ĐB bồi dưỡng kiến thức. Khi hiểu được thì bấm nút của ĐB mới chính xác, mới phản ánh được quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Như tôi đã nói, tại các phiên thảo luận về một dự án Luật nào đó không đúng chuyên ngành của ĐB, nhưng các ĐB cũng nên dự đầy đủ. Vì có thể đó là lĩnh vực ĐB chưa biết, chưa hiểu nhưng thông qua thảo luận ở hội trường ĐB có thể lắng nghe để lĩnh hội, hiểu hơn.
Thêm nữa, ĐBQH có nhiệm vụ tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, nên cũng phải nắm được thông tin để truyền đạt lại với cử tri: Trong kỳ họp Quốc hội quyết định những vấn đề gì? Thông qua vấn đề gì? …
Nếu ĐB dự họp không đầy đủ, thì việc truyền tải kết quả kỳ họp tới cử tri cũng sẽ không bao quát được hết. Chưa kể, hiểu không đúng thì truyền đạt cũng thiếu chính xác.
- Ông có đồng tình với việc kỳ họp sắp tới sẽ có thẻ thông minh để phục vụ và giám sát hoạt động, sự có mặt của các ĐBQH?
Thẻ thông minh chẳng qua là phương tiện kỹ thuật, để nhận biết ĐB tham dự như thế nào tại các kỳ họp hay không. Tôi cho là việc đưa ứng dụng kỹ thuật này vào là cần thiết. Vì tình trạng vừa qua có nhiều vấn đề quan trọng, nhất là các phiên biểu quyết tôi thấy ĐBQH vắng khá nhiều. Biểu quyết không chỉ là riêng ý kiến của ĐB mà là ý kiến của dân gửi gắm Quốc hội.
Chúng tôi rất mong muốn, trong các phiên thảo luận và biểu quyết những vấn đề quan trọng của đất nước, như bàn về phát triển kinh tế xã hội, thu chi ngân sách, tổ chức Quốc hội, Chính phủ… thì các ĐBQH với tư cách ĐB của dân thì phải tham gia đầy đủ.
Hiện tại mới có thông tin sẽ đưa thẻ thông minh vào ứng dụng từ kỳ họp tới nhưng tới giờ các ĐBQH cũng hoang mang chưa biết sẽ triển khai cụ thể ra sao. Thêm nữa, tại kỳ họp này đưa ra thảo luận quá nhiều nội dung lớn, nên các ĐBQH chắc cũng chưa có thời gian để quan tâm tới vấn đề sự vụ, cũng như chưa hiểu hết về công nghệ thẻ thông minh này như thế nào, tác động của nó ra sao…
Chúng ta nên chờ tới khi vận hành theo điều kiện kỹ thuật mới, nếu có phát sinh vấn đề gì thì các ĐB sẽ có ý kiến sau.
Xin cảm ơn ông!