ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Công thương việc "không làm nổi con ốc vít"
Đa phần các câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Công thương trong phiên chất vấn chiều ngày 17/11 đều tập trung vào vấn đề phát triển công nghiệp phụ trợ, phát triển công nghiệp chế tạo và sản xuất.
ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đặt câu hỏi liên quan tới phát triển công nghiệp hỗ trợ: “Tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp ô tô, điện tử, dệt may… hiện cụ thể là bao nhiêu? Tới con ốc vít nhỏ cũng phải nhập từ nước ngoài, thì phải chăng Việt Nam chỉ là “bãi đáp” để doanh nghiệp nước ngoài thuê một phần lao động phổ thông, hưởng chính sách ưu đãi đầu tư ở Việt Nam?”.
Chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về công nghiệp hỗ trợ, ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) đặt câu hỏi: Tại sao đến nay công nghiệp phụ trợ vẫn chưa có gì đáng kể trong khi kế hoạch phát triển đã có từ lâu. Trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu?.
ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh):"Tới con ốc vít nhỏ cũng phải nhập từ nước ngoài, thì phải chăng Việt Nam chỉ là “bãi đáp” để họ thuê một phần lao động phổ thông, hưởng chính sách ưu đãi đầu tư". |
ĐB Huỳnh Văn Đáng (Bình Dương) muốn Bộ trưởng Hoàng chỉ rõ nguyên nhân và sự yếu kém của ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế tạo có phải do quản lý Nhà nước thiếu tập trung, kiên quyết.
Trả lời những câu hỏi chất vấn của các ĐBQH, “tư lệnh” ngành Công thương thừa nhận những “nhức nhối” tồn tại trong phát triển công nghiệp hỗ trợ hiện nay. Thời gian qua nhiều sản phẩm hàng hóa nhưng dung lượng thị trường chưa đủ. Ví như ô tô, hiện nay các doanh nghiệp lắp ráp trong nước chỉ có thể lắp ráp trên dưới 70.000 xe, với nhiều chủng loại khác nhau của hơn 10 hãng xe… cho nên khó có thể có doanh nghiệp đứng ra cung cấp linh kiện phụ tùng cho hơn 10 hãng xe đó với nhiều yêu cầu khác nhau.
Theo thống kê, sản lượng bình quân năm đối với ô tô phải đạt khoảng 100.000 xe thì doanh nghiệp làm công nghiệp hỗ trợ mới có thể phát huy được. Chính vì vậy tỷ lệ nội địa hóa vẫn đang ở mức thấp.
Hiện nay, mức độ nội địa hóa với ô tô khách chỉ đạt khoảng 40%, xe tải thông dụng khoảng 70%. T uy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa ô tô con hiện nay mới chỉ đạt khoảng 10%. Với tỷ lệ này công nghiệp ô tô đang có vấn đề. Trong khi đó, tỉ lệ nội địa hóa trong sản xuất xe máy đạt đến 90%, đánh bật các hãng xe máy nước ngoài, thậm chí còn xuất khẩu đạt 280 triệu USD.
“Giá cả xe máy trong nước sản xuất đã đánh bật được hàng của các nước lân cận. Đây được coi là thắng lợi của sản xuất xe máy trong nước” - Bộ trưởng Hoàng nói.
Ngoài ra, ngành công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi vật liệu mới, thép chế tạo, chất dẻo mà Việt Nam chưa có, nên khi nhập khẩu về khiến giá thành sản phẩm bị đội lên, sức cạnh tranh sản phẩm kém đi.
"Công nghiệp hỗ trợ là ngành thâm dụng lao động, trình độ tay nghề phải cao, gần như là nghệ nhân mà Việt Nam lại thiếu những lao động như vậy" – vị trưởng ngành Công thương nói.
Liên quan đến câu hỏi của ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) về phát triển công nghiệp và công nghiệp cơ khí, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh "không phải chúng ta không làm được".
Hiện tại ngành cơ khí đã có thể chế tạo được thiết bị đồng bộ xi măng lò quay công suất đến 700 nghìn tấn/năm hay sản xuất được máy biến thế 500 KvA, ngành dầu khí đã tự thiết kế chế tạo thành công giàn khoan 90 m nước với tỷ lệ nội địa hóa 30%...
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng khẳng khái thừa nhận, công nghiệp và công nghiệp cơ khí hiện nay chỉ phát triển ở một số lĩnh vực và nhìn chung còn yếu kém. Ngoài cơ chế chính sách ra, một nguyên nhân quan trọng khiến ngành này chưa phát triển là do thiếu cơ chế đầu tư.
Không thỏa mãn với phần trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, ĐB Huỳnh Ngọc Đáng bấm nút lần thứ 2 để hỏi tiếp: “Phải chăng trong những nguyên nhân quan trọng nhất của tình hình yếu kém chính là sự thiếu tập trung về quản lý lãnh đạo của Nhà nước đối với công nghiệp phụ trợ và công nghiệp chế tạo. Nếu đúng như vậy, thông điệp sắp tới của chúng ta là nên quản lý lãnh đạo cho tốt” - ĐB Huỳnh Ngọc Đáng kiến nghị.
Ngay sau khi ĐB Huỳnh Ngọc Đáng đưa ra kiến nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng có thể ghi vào Nghị quyết kỳ họp Quốc hội lần này.