Dạy con trong “hoang mang”
TS Lê Nguyên Phương |
Là một chuyên gia tâm lý học đường với 20 năm kinh nghiệm lâm sàng từ khối mầm non đến đại học tại Mỹ, TS Lê Nguyên Phương cho biết: “Nếu được hỏi về một đề nghị khởi đầu cho hành trình tìm kiếm lối dạy con của các phụ huynh, câu trả lời của tôi sẽ là hãy tự chuyển hóa mình để giáo dục con. Hãy hóa giải những khổ đau trong tâm hồn mình, tăng trưởng trí tuệ trong trí não mình, và chú tâm hơn trong sinh hoạt hàng ngày của mình. Và đừng biến con thành phương tiện.
Cho dù các nghiên cứu có phát hiện trẻ bây giờ có khả năng phát triển trí tuệ và học tập tốt hơn hay nhanh hơn chúng ta đã từng nghĩ, đó cũng không phải là lý do con em chúng ta là phương tiện để chúng phải hy sinh làm vật thí nghiệm và lối giải tỏa cho tham vọng, sợ hãi, mặc cảm của chúng ta.
Chúng ta có thể mong con không phải khổ cực trong mưu sinh như chúng ta, nhưng không nên biến chúng thành những đền bù cho những gì chúng ta chưa làm được. Hãy ngưng suy nghĩ: “Thời xưa ba thèm là bác sĩ nên nay con phải đi học bác sĩ”, “Mẹ sợ nghèo đói nên con đừng bao giờ trở thành nghệ sĩ”, hay “Ba là nông dân cho nên con phải là luật sư để gia đình nở mày nở mặt”.
Đứng trên quan điểm đó, ông đã viết cuốn sách “Dạy con trong “hoang mang”. Sách do Anbooks phối hợp với NXB Tổng Hợp TPHCM xuất bản và phát hành.
Cuốn sách là tập hợp 30 bài viết giải đáp những vấn đề về giá trị và phương pháp giáo dục con trẻ của các bố mẹ và thầy cô Việt Nam được lý giải trên nền tảng kiến thức khoa học qua các nghiên cứu của các ngành tâm lý học giáo dục, tham vấn, và thần kinh.
Cuốn sách được xây dựng trên trục các vấn đề đang được xã hội quan tâm, được thể hiện dưới dạng những bài viết theo từng nhóm chủ đề như Tổng quan về phương pháp nuôi dạy con; Những ngộ nhận về tri thức; Bạo hành trong gia đình; Khen thưởng trong dạy con; Xây dựng tính cách của trẻ; Những vấn đề xã hội trong việc dạy con; Quân bình giữa thành đạt và hạnh phúc; Vai trò của mẹ trong dạy con…
TS Lê Nguyên Phương cho biết, quá trình hình thành tác phẩm cũng là hành trình “làm hòa với quá khứ tuổi thơ của mình” và tiến trình “dung hợp hai nền văn hóa Việt Nam và Âu Mỹ”; giúp phần nào trong việc nối liền những “đứt gãy thế hệ” vốn đang hiện hữu trong lòng mỗi gia đình Việt Nam, nơi có sự khác biệt lớn giữa thế hệ bố mẹ trẻ Việt Nam và thế hệ ông bà nội ngoại.