Đầu tư tư nhân tại Việt Nam chỉ 490 USD/người: Thúc đẩy thế nào?
Đó là khuyến nghị được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đưa ra cho Việt Nam tại Báo cáo đánh giá về tài chính cho phát triển bền vững của Việt Nam được công bố vào chiều 11/09.
Tại Lễ Công bố Báo cáo, ông Haoliang Xu, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Giám đốc UNDP khu vực Châu Á Thái Bình Dương lưu ý: “Đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước tăng gấp đôi vào năm 2015 so với năm 2002, song chỉ chiếm 40% tổng tài chính cho phát triển, và tỷ lệ đầu tư tư nhân trên đầu người của Việt Nam – 490 USD so với mức trung bình của các nước ASEAN là 690 USD.
Ông Haoliang Xu khuyến nghị Việt Nam sớm thực hiện một số biện pháp, bao gồm khuyến khích tăng đầu tư tư nhân trong nước; đầu tư công tập trung và huy động đầu tư tư nhân; thu hút những dự án FDI liên kết công ty trong nước với chuỗi giá trị toàn cầu; đẩy mạnh thu thuế, quản lý tài sản công và áp dụng thuế tài sản và thuế môi trường; và xây dựng khuôn khổ tài chính phối hợp cho việc thực hiện phát triển bền vững.
Hội nghị Công bố Báo cáo đánh giá về tài chính cho phát triển của Việt Nam. |
Ông Haoliang Xu cũng tái khẳng định cam kết của UNDP là đối tác của Việt Nam trong tài chính hiệu quả cho phát triển bền vững, đặc biệt trong việc tăng cường hiệu quả điều phối và hiệp lực giữa các nguồn tài chính và tối ưu hóa cho kết quả phát triển bền vững.
Theo ông Lê Quang Mạnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình, nguồn vốn ưu đãi từ ODA và viện trợ không hoàn lại sẽ bị cắt giảm, do vậy những khuyến nghị trong Báo cáo của UNDP sẽ là nguồn thông tin quan trọng để Chính phủ Việt Nam điều hành, phát triển kinh tế đất nước.
Báo cáo của UNDP kết luận, Việt Nam hướng tới con đường phát triển bao trùm và áp dụng mô hình tăng trưởng mới dựa vào năng suất lao động và khả năng cạnh tranh quốc tế cao hơn nhằm tạo ra nhiều việc làm có năng suất hơn cho tất cả mọi người, trong khi cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang tăng tốc, đòi hỏi xây dựng một chiến lược mới trong việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính cho phát triển cũng trở nên cấp bách hơn.
“Việt Nam cần xây dựng một chiến lược mới nhằm thu hút sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế - xã hội trong việc huy động các nguồn lực để tài trợ cho các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cứng cũng như hạ tầng mềm, nâng cao chất lượng nguồn vốn con người – đặc biệt là trang bị cho lực lượng lao động của mình những “kỹ năng thế kỷ 21” – nói riêng và để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững nói chung”, UNDP khuyến nghị.
Cũng theo UNDP, chiến lược mới về tài chính cho phát triển và việc thực hiện chiến lược cần trở thành một bộ phận khăng khít của các nỗ lực đổi mới trong quản lý tài chính công và đầu tư công, của các kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và đặc biệt phát triển các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ và vừa.