Đầu tư hàng chục tỷ đồng làm trang trại nuôi lợn rừng hữu cơ
Trang trại chăn nuôi lợn rừng của Hợp tác xã (HTX) Thắng Lợi tại xóm Yên Luật, thị trấn Xuân Hòa (Hà Quảng) được quy hoạch xây dựng khoa học, chuồng trại thông thoáng, quy trình chăn nuôi khép kín, biệt lập với khu dân cư, sẵn có nguồn nước bảo đảm vệ sinh. Hạ tầng kỹ thuật phù hợp để phát triển chăn nuôi lợn với số lượng lớn, có triển vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là điểm sáng trong mô hình kinh tế trang trại cần được nhân rộng.
Công nhân Hợp tác xã Thắng Lợi chăm sóc đàn lợn rừng. |
Chăn nuôi theo quy trình hữu cơ
Chị Lý Thị Nga, Giám đốc HTX Thắng Lợi cho biết: Địa phương có nguồn thức ăn chăn nuôi lợn dồi dào, có lợi thế trong tổ chức sản xuất và cung ứng lợn rừng, lợn hương rừng. Ngoài thị trường trong nước, nước bạn Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu giàu tiềm năng với ngành hàng thịt lợn và các sản phẩm khác, do vậy với mục tiêu tạo thương hiệu lợn rừng Hà Quảng, cung ứng cho thị trường lợn rừng giống Thái Lan để nuôi lợn thịt đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, bằng kỹ thuật thường quy, không sử dụng chất cấm, đảm bảo vệ sinh môi trường, tháng 10/2015, HTX lập dự án, đầu tư 22 tỷ đồng xây dựng trang trại chăn nuôi lợn rừng diện tích 13 ha. Trong đó, san đất đồi cải tạo mặt bằng 1,8 ha, xây dựng 2.540 m2 chuồng nuôi lợn rừng, lợn hương rừng đúng quy chuẩn và các hạng mục công trình phục vụ, như: điện, nước, đường nội bộ, hệ thống xử lý chất thải rắn, chất thải lỏng...
Đầu tháng 10/2016, HTX đầu tư 1,4 tỷ đồng nhập 9 con lợn đực rừng hậu bị, 170 con lợn nái hậu bị rừng giống thuần chủng Thái Lan, 100 con lợn rừng thương phẩm giống thuần chủng Thái Lan về nuôi, 30 con lợn nái hậu bị giống lợn hương Cao Bằng để phối với giống lợn rừng Thái Lan. Toàn bộ quá trình chăn nuôi được thực hiện theo quy trình hữu cơ, công tác phòng, chống dịch bệnh được ưu tiên hàng đầu, ngoài tiêm các loại vắc xin phòng bệnh dịch cho đàn lợn theo hướng dẫn của cơ quan thú y, HTX chủ động phòng bệnh tiêu chảy, đường ruột cho lợn bằng các loại lá cây sẵn có ở địa phương. Để đáp ứng nhu cầu về thức ăn cho đàn lợn, trang trại bố trí 3 ha để trồng cỏ voi, sắn, bắp cải, rau lang, trồng cây thuốc nam và xây 1.000 m2 bể để nuôi giun quế bổ sung thức ăn xanh, đạm và làm phong phú thêm nguồn dinh dưỡng cho đàn lợn. Thức ăn cho lợn 90% là thức ăn xanh, gồm cỏ voi, rau và các loại cỏ thân mềm, 10% cám ngô, cám gạo, bổ sung đạm bằng giun quế.
Hiện nay, lợn rừng sinh sản và lợn sinh sản giống lợn hương Cao Bằng phối giống lợn rừng đã đẻ lứa đầu, nâng tổng đàn lợn của trang trại lên 350 con. Dự kiến đến cuối năm 2017, trang trại sẽ có 2.800 con lợn rừng, 500 con lợn hương rừng thương phẩm. Hiện nay, sản phẩm lợn rừng thương phẩm của HTX bán thông qua Công ty cổ phần Phát triển khoa học kỹ thuật NTC (Hà Nội) và Siêu thị Minh Cầu tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Liên kết mở rộng quy mô
Để mở rộng chuỗi liên kết sản xuất, HTX Thắng Lợi triển khai thực hiện mô hình phối hợp với nông dân cùng nuôi lợn rừng theo hình thức: Cung cấp con giống lợn rừng thuần chủng Thái Lan, hỗ trợ miễn phí giống giun quế và kỹ thuật nuôi giun quế, kỹ thuật xây dựng chuồng trại, kỹ thuật trồng cây thuốc nam và trồng cỏ, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn rừng, ký hợp đồng bao tiêu lợn con giống, lợn nái hết tuổi khai thác. Hiện, HTX đang liên kết chăn nuôi lợn rừng với 5 hộ dân ở xóm Lũng Pheo, xã Mã Ba; 7 hộ dân xóm Bản Láp, xã Quý Quân, cho ứng trước mỗi hộ 1 con lợn nái rừng thuần chủng Thái Lan. Dự kiến sau khi mô hình thí điểm thành công, HTX tiếp tục mở rộng liên kết với các hộ dân trên địa bàn huyện.
Nhằm khai thác lợi thế sản phẩm thịt lợn rừng sạch từ trang trại đến người tiêu dùng không qua khâu trung gian, bảo vệ người chăn nuôi, tránh tình trạng “được giá mất mùa, được mùa mất giá”, chiến lược phát triển kinh doanh của HTX lộ trình 2017 - 2022 là đăng ký và phát triển thương hiệu “Lợn rừng Cao Bằng”; xây dựng lò mổ, nhà máy chế biến thực phẩm sạch và chuỗi cửa hàng bán lẻ Cao Bằng - Thái Nguyên - Hà Nội - Bắc Giang.
Với hiệu quả ban đầu và tiềm năng phát triển cũng như các tính ưu việt, như: quy trình chăn nuôi hữu cơ đảm bảo chất lượng sản phẩm sạch, đặc trưng riêng, khẳng định được chỗ đứng và thương hiệu trên thị trường, liên kết sản xuất với nông dân, góp phần giảm nghèo tại địa phương..., hy vọng đây sẽ là mô hình điểm để nhân rộng ra các địa phương khác trong tỉnh.
Nguồn: Lý Thắng/Báo Cao Bằng