Đâu là "chủ thuyết" hiến pháp sửa đổi?
Là người đã 4 lần được tham gia vào công tác sửa đổi hiến pháp 1989, 1992, 2001 và lần này, ĐBQH Nguyễn Đình Quyền – thành viên trong Ban biên tập sửa đổi hiến pháp cho rằng, mỗi bản hiến pháp của Việt Nam đều có một chủ thuyết.
Đối với Hiến pháp 1946, chủ thuyết là hiến pháp lập nước. Hiến pháp 1959 là hiến pháp thời kỳ quá độ xây dựng CNXH miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam. Hiến pháp 1980 là Hiến pháp của thời kỳ quá độ cả nước lên CNXH. Đến Hiến pháp 1992 mang dấu ấn đậm nhất, đó là hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội.
ĐBQH Nguyễn Đình Quyền: Hiến pháp lần này phải đạt được 4 mục tiêu chủ thuyết. Ảnh LD |
“Vậy Hiến pháp lần này chủ thuyết là gì? Tôi cho rằng chủ thuyết của hiến pháp lần này là hiến pháp của thời kỳ xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Chủ thuyết đó liên quan đến 4 mục tiêu mà hiến pháp lần này cần đạt được” – ĐB Quyền nêu:
Thứ nhất, hiến pháp khẳng định và làm sâu sắc hơn nữa chủ quyền nhân dân. Hay nói cách khác ở nước CHXHCN Việt Nam tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Đây là chủ thuyết lớn nhất. Điều này thể hiện ở phương diện gì? Hiến pháp, dân quyền của Pháp, hiến pháp Mỹ đều có câu “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Nhưng vấn đề ở chỗ, hiến pháp của chúng ta thể hiện ở những phương diện gì?
Theo ĐB Quyền nó được thể hiện trên phương diện về chính thể, phương diện về tổ chức bộ máy nhà nước, phương diện về hệ thống chính trị, phương diện về quyền sở hữu, phương diện về mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân... Tức là các phương diện thể hiện chủ quyền của nhân dân. Đây là điều đầu tiên chúng ta phải làm sâu sắc hơn. Đó là “Chủ quyền nhân dân” và nguyên lý “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”.
Mục tiêu thứ 2 hiến pháp lần này cần đạt được là cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội thì chúng ta phải làm hoàn thiện hơn, sâu sắc hơn “nền dân chủ xã hội chủ nghĩa”.
Nền dân chủ này thể hiện rõ nhất trong mối quan hệ giữa nhà nước và công dân, đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của Nhà nước trong mối quan hệ giữa các cơ quan Nhà nước, trong mối quan hệ giữa các nhánh quyền lực hành pháp, lập pháp, tư pháp. Điều sâu sắc nữa là trong mối quan hệ đó, trách nhiệm của mỗi nhánh quyền lực phải rất minh bạch và rõ ràng.
Vấn đề thứ 3 cần phải đạt được, theo ĐB Quyền cần phải giải mã cho được nguyên lý ở nước CHXHCN Việt Nam, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân nhưng có sự phân công phối hợp và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đây là điều quan trọng nhất của hiến pháp lần này.
Hiến pháp 1992 rất thành công trong việc đổi mới về kinh tế, nhưng chưa có điều kiện để chúng ta tổng kết, hoàn thiện hơn nữa về phân công quyền lực. Hiến pháp lần này phải làm được điều đó, tức là phải phân công cho được một cách rạch ròi, hợp lý giữa 3 quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp và có những chế định để bảo đảm quyền lực nhà nước thống nhất thuộc về nhân dân, đảm bảo tất cả quyền lực nhà nước đều phải được kiểm soát.
Điều thứ 4 theo ông Quyền là hoàn thiện hơn nữa về “quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”.
“Đây là lần đầu tiên chúng ta có khái niệm quyền con người trong hiến pháp. Trước đây chúng ta chỉ có khái niệm quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và có một nguyên lý quyền luôn luôn đi liền với nghĩa vụ. Nhưng khi nghiên cứu thì chúng ta thấy có rất nhiều quyền không đi với nghĩa vụ, đó là những quyền mà sinh ra con người đã có, như quyền được sống, quyền được sống trong môi trường lành mạnh, quyền được làm việc, quyền học tập... Đó là những quyền rất tự nhiên của con người không cần phải gắn với nghĩa vụ nào”.
Trên cơ sở đó, ĐB Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh: “Trong bản hiến pháp lần này chúng ta phải làm sâu sắc hơn nữa quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”.