Đau bụng, đi ngoài ra máu: Coi chừng polyp đường tiêu hóa
Polyp khủng
Hình ảnh khối polyp đại tràng của bệnh nhân T. |
Bác sĩ chuyên khoa I - Vũ Huy Hiền – Phó trưởng khoa phụ trách khoa Thăm dò chức năng Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội cho biết bệnh viện vừa cắt một ca polyp đại tràng khủng có kích thước 2,5 cm – 3cm.
Đây là polyp lớn nhất mà Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cắt đồng thời cũng là một trong những polyp to hiếm thấy.
Bệnh nhân là chị P.X.T 30 tuổi vào viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng, đi ngoài ra máu. Qua nội soi, bác sĩ đã phát hiện bệnh nhân có khối polyp khá lớn. Sau can thiệp, sức khỏe bệnh nhân hồi phục tốt.
Nói về bệnh nhân này, bác sĩ Hiền cho biết các bác sĩ phải tiến hành kẹp chân polyp để cầm máu trước, sau đó mới cắt vì polyp to, nguy cơ chảy máu cao, bác sĩ phải tiến hành cắt làm 2 lần.
Những polyp khủng này, trước kia không có dụng cụ clip hoặc một số trang bị mới, bệnh nhân phải chấp nhận mổ mở, bởi nếu không sẽ rất nguy hiểm, có thể dẫn tới chảy máu không cầm được.
Trước đó, bệnh nhân nữ V.H.H 46 tuổi ở Minh Khai, Hà Nội phải nhập viện Bạch Mai cấp cứu. Theo người nhà bệnh nhân trước đó bệnh nhân khỏe mạnh bình thường, không có bệnh về đường tiêu hóa. Mấy ngày gần đây, thấy mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt và nôn ra máu tươi lẫn máu cục, gia đình đưa đến cấp cứu được chẩn đoán là chảy máu tiêu hóa.
Sau khi nội soi, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có 1 polyp lớn ở thân vị phía bờ cong lớn bị loét trợt gây chảy máu. Sau khi cắt khối polyp lành tính và điều trị, bệnh nhân đã bình phục sức khỏe và ra viện.
Trường hợp của anh Nguyễn Thế Th. trú tại Thanh Xuân, Hà Nội đến cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội với các triệu chứng đau dạ dày. Khi nội soi bác sĩ cho biết anh có polyp dạ dày. Bác sĩ khuyên nên phẫu thuật cắt bỏ.
Tuy nhiên, do quá bận rộn công tác, chưa sắp xếp được thời gian và biết bệnh lành tính nên anh Th. chưa mổ. Đến khi polyp to nhanh, bị đau bụng, đại tiện ra máu anh mới đi khám lại. Lúc này bác sĩ yêu cầu phẫu thuật nội soi cắt polyp và xét nghiệm tế bào mô. Rất may, khi xét nghiệm tế bào mô, polyp chưa bị ung thư hóa.
Nguy cơ ung thư cao
Theo bác sĩ Vũ Huy Hiền, polyp tiêu hóa chủ yếu là polyp ở đại tràng. Triệu chứng của bệnh polyp thường không có gì đặc biệt. Một số trường hợp có đi ngoài ra máu, rối loạn phân, đau bụng thường khi kích thước polyp to và có biến chứng chảy máu, tắc ruột, nếu lớn có nguy cơ ung thư hóa.
Polyp chia làm hai loại là polyp tăng sản và polyp tuyến. Polyp tăng sản thường không bao giờ thành ung thư nhưng polyp tuyến thì có tỉ lệ thành ung thư đại trực tràng cao, chủ yếu ung thư đại tràng là ung thư biểu mô tuyến.
Polyp tuyến càng lớn thì tỉ lệ ung thư hóa càng cao. Khoảng 20% những polyp tuyến có kích thước > 1cm trở thành ung thư. Chính vì vậy khi cắt polyp tuyến đại tràng cũng là một cách nhằm loại trừ sớm nguy cơ ung thư.
Cắt polyp bằng nội soi là 1 bước tiến mới trong y học, thông qua dụng cụ nội soi, các bác sĩ có thể cắt polyp một cách đơn giản mà không phải mổ mở như trước kia. Thông thường sau khi cắt người bệnh có thể về nhà luôn. Một vài trường hợp polyp lớn thì bác sĩ có thể giữ bệnh nhân lại theo dõi tình trạng chảy máu, nguy cơ thủng trong và sau can thiệp...
Sau khi cắt chế độ ăn uống và sinh hoạt của bệnh nhân như bình thường. Bác sĩ Hiền khuyến cáo bệnh nhân nên nội soi định kỳ để theo dõi polyp dạ dày. Đặc biệt khi gia đình và người thân có người bị polyp hoặc ung thư đại - trực tràng.
Vấn đề khó khăn trong điều trị polyp đường tiêu hóa là đôi khi khó phân biệt được polyp tăng sản hay polyp tuyến có tiềm năng hóa ác qua việc nội soi đường tiêu hóa. Do đó, người bệnh cần được thăm khám qua nội soi đường tiêu hóa nhằm phát hiện sớm polyp tuyến nhằm giảm tỉ lệ ung thư đường tiêu hóa nói chung và ung thư đại – trực tràng nói riêng.