Dấu ấn đậm nét trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh
Theo báo cáo của Tỉnh uỷ Quảng Ninh, nhiệm kỳ 2010 - 2015 với sự nghiêm túc, sáng tạo trong triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, Quảng Ninh đã linh hoạt, quyết liệt, quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện giúp kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển đúng hướng và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Trong 5 năm qua, kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh không chỉ phát triển toàn diện, mà còn kết hợp hài hòa giữa tập trung các đột phá chiến lược và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững.
Quảng Ninh rực rỡ cờ hoa chào Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14. |
Quy mô và tiềm lực kinh tế của tỉnh Quảng Ninh không ngừng phát triển. Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 9,2%/năm, duy trì ở mức cao so với mặt bằng chung cả nước là 5,82%.
Quy mô kinh tế tiếp tục tăng, GRDP giá hiện hành năm 2015 đạt trên 100 ngàn tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm 2010, GRDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD, gấp 1,76 lần so với năm 2010, gấp 1,77 lần so với bình quân cả nước. Thu NSNN 5 năm ước đạt 160 ngàn tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006-2010.
Quảng Ninh luôn đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu ngân sách. Các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp tăng trưởng ổn định theo hướng tích cực, đặc biệt tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp chế biến. Quảng Ninh khẳng định vị trí tiên phong về thực hiện đồng bộ, hiệu quả xây dựng nông thôn mới.
Những đột phá của tỉnh Quảng Ninh trong nhiệm kỳ vừa qua:
Ba đột phá chiến lược
Tập trung phát triển hạ tầng đồng bộ: Hệ thống giao thông phát triển mạnh với việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới 97,4km quốc lộ; 61km tỉnh lộ; 1.290km đường giao thông nông thôn, miền núi; Trở thành trung tâm sản xuất nhiệt điện, sản xuất xi măng lớn của cả nước; Là tỉnh đầu tiên đưa điện lưới quốc gia đến tất cả các thôn, khu, khe bản trên đất liền và các xã đảo, đặc biệt là đã đưa được điện lưới ra huyện đảo Cô Tô; Tỷ lệ đô thị hóa cao, đạt 64% (cả nước là 33,7%) với 4 thành phố và 2 thị xã.
Quảng Ninh đã không ngừng sáng tạo, đổi mới xây dựng thể chế và cải cách hành chính qua đó đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, thông qua xây dựng các đề án lớn, nhất là Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh và thí điểm xây dựng hai đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Móng Cái” và “Đặc khu kinh tế Vân Đồn”. Đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử, đào tạo công dân điện tử, thành lập Trung tâm hành chính công cấp tỉnh và tại 14/14 địa phương.
Song song với đó Quảng Ninh đã tập trung phát triển nguồn nhân lực: Đã cử đào tạo cán bộ 6.696 lượt, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý nhà nước 23.955 lượt cho cán bộ, đảng viên; 3.633 lượt cán bộ thôn, bản; đã thực hiện việc đưa cán bộ, giáo viên, bác sĩ đi học tập, bồi dưỡng ở nước ngoài theo hình thức Đề án 165 của Trung ương bằng nguồn ngân sách tỉnh.
Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020”; thành lập Trường Đại học Hạ Long và đi vào tuyển sinh năm 2015. Số lượng thạc sĩ, tiến sĩ trong tỉnh tăng gấp 2,33 lần so với năm 2010; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63% (năm 2010 là 48%). Chuyển đổi cơ cấu lao động đã đóng góp đáng kể vào tăng năng suất lao động xã hội của tỉnh, trung bình cả giai đoạn tăng 12,4%, trong đó lao động trong lĩnh vực dịch vụ có mức tăng cao nhất là 17,1%/năm.
Trong thời gian qua, Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo các giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững.Tổng vốn đầu tư xã hội đạt trên 220 ngàn tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với nhiệm kỳ trước. Chuyển đổi mô hình hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công theo hướng tăng cường tự chủ, mở rộng xã hội hóa; đã và đang triển khai 55 công trình áp dụng hình thức đối tác công - tư (PPP). Tỷ trọng dịch vụ tăng từ 39,3% lên 43,4%, trong khi công nghiệp giảm từ 53,4% xuống 50,6%; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 2,5 tỷ USD; vốn đầu tư trong nước đạt trên 4 tỷ USD. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh từ vị trí thứ 20 được nâng lên và duy trì trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước và đứng đầu trong Vùng đồng bằng sông Hồng từ năm 2013 đến nay.
Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo quyết liệt. Đến hết năm 2015, dự kiến có 79/125 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. 6/10 huyện đã cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới. Quảng Ninh cơ bản đạt tỉnh nông thôn mới. Hiện tỉnh đang triển khai thí điểm mô hình “nông thôn tiên tiến” nhằm nâng cao chất lượng và phát triển bền vững nông thôn mới.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội, an sinh xã hội: Chi cho đảm bảo an sinh xã hội 4.690 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2005-2010. Giai đoạn 2011-2015, giải quyết việc làm mới bình quân đạt trên 2,7 vạn lao động/năm. Tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị giảm từ 4,2% năm 2010 xuống còn 1,8% năm 2015; đào tạo nghề cho 22.157 lao động nông thôn, với tổng kinh phí thực hiện 111 tỷ đồng. Tỉnh hoàn thành chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo về đích trước 2 năm so với kế hoạch của Chính phủ. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 7,68% năm 2010 xuống còn 1,55% năm 2015, trung bình cả giai đoạn giảm 1,2%/năm. Nhiều chỉ tiêu đạt cao so với bình quân chung của cả nước như: Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 70% (cả nước 37,7%); đạt tỷ lệ 12 bác sĩ/vạn dân (bằng 1,6 lần bình quân cả nước); 36 giường/vạn dân, gấp gần 2 lần bình quân cả nước.
Quốc phòng, an ninh được giữ vững: Chủ động giải quyết kịp thời, có hiệu quả các tình huống, góp phần giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Quảng Ninh đi đầu cả nước trong thí điểm bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý, thông qua thi tuyển; triển khai bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư tại 79% đại hội đảng bộ cơ sở và bầu trực tiếp bí thư tại 17/20 đảng bộ cấp huyện. Toàn tỉnh có 9 đảng bộ bí thư, kiêm chủ tịch HĐND, 2 đảng bộ bí thư kiêm chủ tịch UBND (huyện Cô Tô và Tiên Yên).