Đào tạo nghề du lịch: Thừa lý thuyết, thiếu thực hành!
Chất lượng nguồn nhân lực du lịch còn nhiều hạn chế
Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở VH-TT-DL Đà Nẵng cho hay, năm 2015, ước tổng số lao động trong ngành du lịch TP là 24.975 người, tăng 18% so với năm 2014. Dự báo đến năm 2020, tổng số lao động trong ngành du lịch ước đạt 33.044 người, tăng 57% so với năm 2014.
Giám đốc Sở VH-TT-DL Đà Nẵng Ngô Quang Vinh: "Chương trình đào tạo nghề du lịch hiện nay chưa sát với thực tế, thừa lý thuyết nhưng thiếu thực hành!" (Ảnh: HC) |
Theo khảo sát nguồn nhân lực du lịch của dự án EU năm 2015 tại 64 cơ sở lưu trú, 20 đơn vị lữ hành trên địa bàn Đà Nẵng, khoảng 10-20% nhân viên khối khách sạn chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Đặc biệt, sự tăng trưởng nóng khách sạn gần đây đã gây ra biến động thiếu hụt các vị trí quản lý khách sạn, trưởng các bộ phận tiền sảnh, buồng, bàn, bếp được đào tạo nghiệp vụ và có kinh nghiệm thực tế.
Trong khi đó, 25% nhân viên khối lữ hành, khu điểm du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế công việc. Bộ phận điều hành mặc dù đã có kinh nghiệm hoạt động trong ngành nhưng các kỹ năng như marketing online, quản lý khủng hoảng, năng lực cạnh tranh còn hạn chế... Hầu hết các đơn vị lữ hành gặp khó khăn nhất trong tuyển dụng giám đốc xây dựng sản phẩm và giám đốc marketing - kinh doanh.
Hiện toàn TP có 2.038 hướng dẫn viên (HDV) đã được cấp thẻ. Số lượng HDV ngày càng trẻ hóa nên chưa có nhiều kinh nghiệm; HDV tiếng Nhật, tiếng Hàn chưa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp (DN). Đa số HDV quốc tế tuy có trình độ đại học ngoại ngữ nhưng kỹ năng ngoại ngữ trong giao tiếp và hướng dẫn khách còn hạn chế.
Do nhận thức về tầm quan trọng của nguồn nhân lực đối với sự tồn tại, phát triển của DN chưa cao nên chưa mạnh dạn tổ chức đào tạo lại hoặc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ cho nhân viên. Trong khi đó sinh viên tốt nghiệp đa phần không muốn làm phục vụ nhà hàng, làm buồng; nhận thức về nghề du lịch, khả năng giao tiếp, ứng xử hạn chế. Tình trạng nhân lực du lịch liên tục nghỉ việc, chuyển việc, nhất là tại các khách sạn, nhà hàng, đơn vị vận chuyển, tàu thuyền du lịch đã gây khó khăn cho việc đào tạo, tuyển dụng và tốn kém kinh phí của DN.
Đào tạo nghề du lịch: Thừa lý thuyết, thiếu thực hành!
Cũng theo ông Ngô Quang Vinh, hiện trên địa bàn Đà Nẵng đã hình thành hệ thống cơ sở đào tạo về du lịch, từ đào tạo nghề đến hệ trung cấp, cao đẳng, đại học (gồm 26 cơ sở, trong đó có 07 trường cao đằng nghề, 07 trường đại học, cao đẳng có đào tạo về du lịch, 04 trường trung cấp nghề, 10 cơ sở khác có tổ chức đào tạo nghề du lịch).
“Các cơ sở đào tạo này là một trong các nguồn tuyển dụng chính của các DN du lịch ở Đà Nẵng và miền Trung. Tuy nhiên chương trình đào tạo nghề của họ chưa sát với thực tế, thừa lý thuyết nhưng thiếu thực hành, thiếu đào tạo kỹ năng mềm và ngoại ngữ trong phạm vi nghề; chất lượng giảng viên chưa thực sự đồng đều. Do đó sinh viên ra trường khó xin được việc làm hoặc nếu được tuyển dụng thì DN phải đào tạo lại, gây tốn kém kinh phí và mất thời gian!” – ông Ngô Quang Vinh nói.
Theo ông, nhìn chung các chương trình đào tạo về du lịch của các cơ sở đào tạo trên địa bàn chưa cập nhật, áp dụng bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch VTOS và bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia. Số lượng giảng viên trung bình của mỗi bộ môn chỉ có khoảng 2-5 người. Đội ngũ giảng viên không có nhiều kinh nghiệm thực tế, chuyên môn và dự kiến sẽ không tăng nhiều trong 5 năm tới!
Trong khi đó, chương trình đào tạo nghề du lịch do Bộ LĐ-TB-XH, Bộ GD-ĐT phê duyệt, còn các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành du lịch không có thẩm quyền này. Và hiện chưa có quy định bắt buộc các cơ sở đào tạo nghề du lịch sử dụng bộ tiêu chuẩn 13 kỹ năng nghề du lịch Việt Nam làm giáo trình giảng dạy chính thức
Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành du lịch ở địa phương cũng không có thẩm quyền tham gia công tác thẩm định, kiểm tra chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề du lịch. Đồng thời cũng chưa có quy định của Luật Du lịch yêu cầu DN kinh doanh dịch vụ du lịch trước khi đi vào hoạt động phải có phương án nhân sự cụ thể.
Cơ quan quản lý du lịch cần được tham gia thẩm định chương trình đào tạo du lịch
Trước tình hình này, ông Ngô Quang Vinh cho rằng, Bộ VH-TT-DL, Tổng cục Du lịch cần kiến nghị Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB-XH có quy định bắt buộc các trường, các cơ sở đào tạo nghề du lịch sử dụng bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam làm giáo trình giảng dạy chính thức từ năm 2016.
Đồng thời phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH thống nhất đưa tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam và tiêu chuẩn VTOS thành bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia; đưa việc thẩm định khung chương trình đào tạo là tiêu chuẩn bắt buộc để cấp chứng chỉ hoạt động trong các trường đào tạo về du lịch, tiến tới chuẩn hóa đội ngũ nhân lực du lịch.
Ông Ngô Quang Vinh cũng cho biết đã đề nghị Bộ VH-TT-DL cho phép thành lập Trung tâm đào tạo và thẩm định nghề du lịch tại Đà Nẵng, có chức năng dự báo nguồn nhân lực về du lịch, liên kết với các trường uy tín để đào tạo nguồn nhân lực du lịch phục vụ cho nhu cầu phát triển du lịch của TP; đồng thời có chức năng thẩm định, đánh giá kỹ năng nghề du lịch gồm nghiệp vụ và ngoại ngữ để tổ chức thi sát hạch và cấp chứng chỉ nghề
Bên cạnh đó, Sở VH-TT-DL Đà Nẵng kiến nghị UBND TP yêu cầu các dự án du lịch phải có phương án nguồn nhân lực khi xin cấp phép đầu tư, xây dựng. Đồng thời giao Sở này phối hợp với Sở LĐ-TB-XH tham gia góp ý chương trình giảng dạy, kiểm tra chất lượng đào tạo, thẩm định các khung chương trình đào tạo nghề du lịch, tham dự đột xuất giờ giảng của các cơ sở đào tạo trên địa bàn (hiện chỉ có Sở LĐ-TB-XH có thẩm quyền kiểm tra và thẩm định).
Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, chiều nay 22/12, Sở VH-TT-DL Đà Nẵng sẽ tổ chức buổi gặp mặt, trao đổi với Sở LĐ-TB-XH, các cơ sở đào tạo nghề du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình tuyển dụng, đào tạo nguồn lao động du lịch và đề xuất các giải pháp tăng cường liên kết giữa các bên liên quan.
Tại buổi làm việc, Sở VH-TT-DL Đà Nẵng sẽ có báo cáo về tình hình nguồn nhân lực trên địa bàn hiện nay; Sở LĐ-TB-XH có báo cáo đánh giá về các cơ sở đào tạo nghề du lịch; Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng có báo cáo đánh giá chất lượng sinh viên tốt nghiệp được tuyển dụng; các cơ sở đào tạo nghề, DN du lịch cũng sẽ phát biểu về các khó khăn, vướng mắc trong công tác đào tạo, tuyển dụng nhân lực du lịch.