Đào tạo bác sĩ gia đình như thế nào?
Theo đề án Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2013-2020 của Bộ Y tế, hiện nay các cấp đào tạo Y học gia đình tại Việt Nam gồm có: 2 đơn vị học trình Y học gia đình cho bác sĩ đa khoa 6 năm tại trường đại học chuyên ngành y, chuyên khoa định hướng, chuyên khoa cấp I và cao học.
Từ tháng 6/2002, bệnh án Y học gia đình đã được xây dựng; năm 2005 hình thành bệnh án điện tử y học gia đình đầu tiên và áp dụng tại phòng khám y học gia đình Bệnh viện Đại học Y - Dược TP Hồ Chí Minh.
Đến nay có hàng trăm bác sĩ chuyên khoa cấp I, trong đó có nhiều bác sĩ theo định hướng Y học gia đình, đã được đào tạo bài bản. Phần lớn các bác sĩ chuyên khoa Y học gia đình sau khi tốt nghiệp trở về làm việc ở tuyến y tế cơ sở.
Tại TP.HCM, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch - cho biết: Hiện nay, Đại học Y dược TP.HCM, trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch là 2 trường có nhiều kinh nghiệm trong việc đào tạo BSGĐ. Mỗi năm, 2 trường đào tạo hàng trăm BSGĐ, từ định hướng đến chuyên khoa.
“Trong chương trình 6 năm đào tạo BS Đa khoa, SV được học tất cả các lượng kiến thức cơ sở, chuyên ngành liên quan đến các khoa khác nhau, trong đó có cả BSGĐ. Sau đó, các em mới chọn chuyên khoa gì cho hệ sau đại học. Trong chuyên khoa đào tạo BSGĐ, SV được dạy sâu vào kỹ năng tư duy lâm sàng” - PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp chia sẻ.
Ngoài ra, để đào tạo BSGĐ bổ sung, những bác sĩ đa khoa muốn chuyển sang hoạt động theo mô hình BSGĐ có thể học theo hình thức Cập nhật kiến thức (Học trong thời gian 3 tháng). Tại TP.HCM, trung bình 1 năm có khoảng 150-200 người học theo hình thức này.
BS Trần Văn Khanh, giám đốc BV quận 2 – Nơi có các phòng khám BSGĐ - chia sẻ: BV Quận 2 hiện nay đang có 4 bàn khám và 3 trạm y tế hoạt động theo mô hình BSGĐ. Trung bình mỗi ngày khoảng 350 – 400 bệnh nhân đến khám.
“Bước đầu theo dõi, chúng tôi nhận thấy số lượng người bệnh tái khám đều. Qua phỏng vấn, người bệnh đánh giá khá tốt mô hình BSGĐ, bởi họ không chỉ khám mà còn tư vấn bệnh lý cho cả người thân trong gia đình bệnh nhân. Ví dụ như ung thư tiêu hóa, BSGĐ tư vấn cho người bệnh và người thân để họ hiểu, dù khỏe mạnh vẫn nên dự phòng, đi khám trước khi có dấu hiệu bệnh tật.
Hình ảnh tại hội nghị phổ biến, triển khai thực hiện trạm y tế mô hình điểm tháng 10/2018. |
Ngoài ra, chất lượng khám tại phòng khám BSGĐ đảm bảo, chi phí hợp lý, thay vì phải đi rất nhiều chuyên khoa. Theo lộ trình, BSGĐ khám tổng thể rồi sẽ định hướng cho người bệnh nên đi khám thêm chuyên khoa nào. Cách làm này giúp tiết kiệm thời gian, giảm tải cho chính bệnh viện và giảm chi phí khám chữa bệnh. Khảo sát nhanh tại Bệnh viện Quận 2 chúng tôi, có 80-90% người bệnh cho biết sẽ giới thiệu người thân đến khám tại BSGĐ” – BS Khanh chia sẻ.
Được biết, cho đến thời điểm này, TPHCM đã có hơn 224 phòng khám BSGĐ tại 20 bệnh viện quận - huyện, 191 trạm y tế phường - xã và 13 phòng khám đa khoa tư nhân. Trong đề án Bác sĩ gia đình, Bộ Y tế lên kế hoạch trong năm 2013-2015, thành lập được ít nhất 80 phòng khám tại 8 tỉnh, thành phố tham gia dự án. Trong đó, TP. HCM được kỳ vọng xây dựng được 30 phòng khám bác sĩ gia đình. Với con số này, TP. HCM đã có sự phát triển vượt bậc.
Còn tại 7 tỉnh khác thuộc đề án (gồm Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cần Thơ) hoạt động BSGĐ đã bước đầu được tổ chức với các mô hình khác nhau: Trung tâm bác sĩ gia đình, phòng khám bác sĩ gia đình là cơ sở thực hành của các trường đại học chuyên ngành y, phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân, trạm y tế có hoạt động bác sĩ gia đình...
Các trung tâm, phòng khám bác sĩ gia đình tổ chức khám chữa bệnh và thực hiện các dịch vụ y tế tại đơn vị hoặc tại nhà theo yêu cầu của người bệnh, thực hiện quản lý theo dõi sức khoẻ cho cả hộ gia đình theo nguyên tắc bác sĩ gia đình.