Đang xác minh vụ 43 lao động "xuất khẩu chui" kêu cứu tại Nhật
Mới đây 43 người Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản đã gửi đơn cầu cứu đến Ban Bảo hộ công dân - Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản do Công ty sử dụng lao động tại Nhật Bản không thực hiện đúng hợp đồng đã ký về các điều kiện làm việc và ăn ở.
Theo nội dung đơn, những lao động này qua Nhật với diện kỹ sư theo sự tuyển chọn trực tiếp từ một công ty con của Freesia House Corporation (6-8-3 Sotokanda Chiyoda-Ku, Tokyo, Nhật Bản). Mức lương được công ty quảng cáo trên mạng Internet quy ra tiền Việt là 30 triệu đồng, sau khi trừ hết các khoản chi phí sinh hoạt.
Nơi ở của lao động Việt tại Nhật được phản ánh trên trang cá nhân. |
Tuy nhiên, khi được đưa sang Nhật Bản, họ phải chuyển về tỉnh Iwate - nằm ở miền Bắc nước Nhật, làm việc tại công ty Seinan. Mỗi lao động tại đây phải trả 39.000 yên tiền thuê nhà và 8.000 yên tiền điện nước (tổng cộng gần 10 triệu đồng). Số tiền sẽ bị trừ trực tiếp khi công ty chuyển lương vào tài khoản ngân hàng.
Ngoài ra, các công nhân kêu cứu phải đóng tiền ăn bữa trưa nhưng công ty chỉ trích ra khoảng 60% để mua. 43 người chỉ được phép nấu gần 4 kg gạo mỗi bữa. Đặc biệt, họ còn bị công ty cấm ăn cá, thị, trứng vì bị cho là có hại cho sức khoẻ. Các chế độ bảo hộ lao động trong môi trường làm việc độc hại gần như không có.
Ngày 18/3, trao đổi với báo chí về việc này, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và xã hội cho biết Bộ đang cho xác minh sự việc.
Bữa ăn theo phản ánh của lao động chỉ có cơm và rau |
Thứ trưởng cũng cho hay, lao động tại thị trường Nhật Bản hiện nay có các nhóm: thực tập sinh- đi qua các công ty xuất khẩu lao động và nhóm thứ hai du học sinh thông qua các trung tâm tư vấn du học với lời hứa hẹn sang Nhật có thể học tập và làm việc.
“Trường hợp 43 người lao động chúng tôi đang cho kiểm tra lại là du học sinh hay thực tập sinh. Nếu thực tập sinh thì trách nhiệm thuộc về các công ty xuất khẩu lao động. Nếu là du học sinh chúng tôi sẽ trao đổi với Bộ giáo dục và đào tạo để xem họ đi qua con đường nào, các hợp đồng ký kết ra sao”, ông Diệp cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng, thị trường Nhật Bản là một thị trường rất tốt, ít khi nghe phàn nàn của thực tập sinh. Tuy nhiên, thông thường trong trường hợp đó, người lao động nên gửi đơn khiếu nại đến đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài để được hỗ trợ.
Trước đó, ông Tống Hải Nam Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, nếu đúng như thông tin trên mạng thì 43 lao động này đi sang Nhật theo diện tự túc và là kỹ sư thực hành với thời hạn visa 1 năm chứ không phải thuộc dạng thực tập sinh.