Đằng sau quyết định không tăng lãi suất lần thứ 11 của Mỹ
Chấm dứt chuỗi 10 lần tăng lãi suất
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định không tăng lãi suất lần thứ 11 liên tiếp trong phiên họp 13-14/6 (rạng sáng 15/6 giờ Việt Nam). Đây là một động thái đã được thị trường phản ánh từ trước, với 93% dự báo như vậy ở thời điểm trước khi ngân hàng trung ương Mỹ ra quyết định.
Việc không tăng lãi suất lần thứ 11 liên tiếp thể hiện sự thận trọng của Fed. Cơ quan hoạch định chính sách tài chính có ảnh hưởng lớn nhất thế giới muốn dừng lại nhằm đánh giá tác động của 10 lần tăng lãi suất trước đó (tổng cộng tăng 500 điểm phần trăm, từ mức 0-0,25% lên 5-5,25%/năm).
Chuỗi tăng lãi suất kéo dài từ tháng 3/2022 của Fed đã khiến thị trường tài chính thế giới chao đảo. Hàng loạt đồng tiền của các nước lao dốc, bao gồm cả những đồng tiền hàng đầu trên thế giới như euro, bảng Anh, yen Nhật, Nhân dân tệ.
Đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ một đồng USD mạnh hơn là vào khoảng tháng 9-10/2022.
Khi đó, các đồng tiền của châu Âu, Nhật Bản… đã giảm hàng chục phần trăm so với đồng USD, xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Vào tháng 9/2022, đồng bảng Anh xuống mức thấp nhất trong gần 40 năm, có lúc gần ngang bằng so với USD do nền kinh tế Anh yếu kém, đối mặt với nguy cơ suy thoái kéo dài. Nước Anh cũng như Liên minh châu Âu (EU) vật lộn với giá cả tăng vọt và chi phí năng lượng cao, do cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Đồng euro vào cuối tháng 9/2022 xuống mức thấp nhất 2 thập kỷ. 1 euro đổi thấp hơn 1 USD, đây là hiện tượng lần đầu tiên xuất hiện kể từ 2022.
Đồng yên Nhật có lúc giảm hơn 25%, từ mức 1 USD đổi 115,3 yen xuống mức mức 1 USD đổi 145 yen, vượt qua mức giảm lịch sử năm 1979 (khi đó yen mất giá 19,1%).
Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng xuống dưới ngưỡng quan trọng 1 USD đổi 7 NDT khi chênh lệch giữa chính sách tiền tệ của Trung Quốc và Mỹ ngày một lớn. Trong khi Fed của Mỹ liên tục tăng lãi suất thì Bắc Kinh có xu hướng bơm tiền kích thích khi kinh tế suy giảm tăng trưởng.
Gần đây, hồi tháng 3/2023, cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ đã khiến 4 ngân hàng Mỹ phá sản. Cuộc khủng hoảng này lan sang châu Âu và khiến ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ - Credit Suisse đứng trước bờ vực phá sản và buộc phải sáp nhập vào UBS (ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ).
Đây là thương vụ lịch sử, rất phức tạp và có thể nói là “độc nhất vô nhị”. Thương vụ được chốt chỉ trong vài ngày, với sự hậu thuẫn của Chính phủ Thụy Sĩ, trong nỗ lực ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính trên diện rộng.
Tại châu Á, việc Fed tăng lãi suất liên tục và xung đột Nga-Ukraine cũng đẩy phần lớn các thị trường tài chính vào khủng hoảng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã phải tăng mạnh lãi suất điều hành để chống lại một cú lao dốc của đồng VND. Vào ngày 25/10/2022, đồng VND có lúc xuống mức thấp kỷ lục: 1 USD đổi 24.888 đồng tại Ngân hàng Vietcombank và 25.450 đồng trên thị trường tự do.
Gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, cuộc chiến chống lạm phát của Fed có thể gây ra những “hậu quả kinh tế” vượt ra ngoài nước Mỹ, khiến toàn cầu gặp “biến lớn”.
Mỹ tính thêm 2 lần tăng lãi suất
Với nước Mỹ, nền kinh tế chưa rơi vào suy thoái, trong khi lạm phát lõi vẫn còn ở mức cao (5,3% trong tháng 5) so với mục tiêu 2%. Đây là yếu tố khiến thị trường tin vào khả năng Fed còn tăng lãi suất.
Chính các quan chức của Fed đã tỏ rõ điều này.
Cùng với quyết định hoãn tăng lãi suất tại cuộc họp ngày 13-14/6, Ủy ban thị trường mở Fed (FOMC) dự báo về 2 đợt tăng lãi suất khác trong nửa cuối năm 2023, với mức tăng 25 điểm phần trăm mỗi lần.
Các quan chức Fed có thêm 6 tuần nữa để đánh giá những tác động khi Fed điều chỉnh chính sách, nhằm chiến đấu với lạm phát. Cuộc họp tiếp theo của Fed sẽ diễn ra vào ngày 25-26/7.
Ngôn từ của Fed cũng khá rõ ràng, cơ quan này sử dụng từ “tạm dừng” để đưa ra tín hiệu về một kế hoạch dài hạn hơn.
Biểu đồ dot plot (hiển thị dự báo của các nhà hoạch định chính sách về hướng lãi suất trong tương lai) cho thấy, Fed kỳ vọng lãi suất sẽ ở mức cao hơn. Các quan chức Fed đa số kỳ vọng lãi suất liên bang vào cuối năm nay sẽ đạt 5,6%.
Như vậy, trong 4 cuộc họp còn lại trong năm nay, FOMC có thể sẽ tăng lãi suất thêm 2 lần. Có 9 thành viên kỳ vọng 2 đợt tăng, 4 thành viên muốn 1 lần tăng và 2 thành viên khác cho rằng sẽ còn 3 lần tăng lãi suất nữa.
Cũng theo những kỳ vọng của Fed, lãi suất chuẩn vào năm 2024 có thể ở mức 4,6% và 2025 là 3,4%.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc, Fed sẽ chỉ bắt đầu hạ lãi suất vào năm 2024, nếu kỳ vọng này vẫn được giữ nguyên.
Mặc dù vẫn chưa chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất, Fed vẫn có động thái mở ròng thanh khoản kể từ đầu năm, bơm ra thị trường, thay vì phải thu hẹp, hút tiền về như theo kế hoạch.
Tại Việt Nam, NHNN ngược chiều với động thái của Fed với 3 lần giảm lãi suất điều hành trong giai đoạn từ tháng 3-5, với tổng mức giảm khoảng 100 điểm phần trăm (lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm…).
Trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 6% xuống 5%/năm. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân tại các ngân hàng đồng loạt giảm mạnh. Qua đó, lãi suất cho vay cũng giảm.
Gần đây, một số tổ chức dự báo NHNN còn dư địa để giảm lãi suất thêm nữa để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, đại diện NHNN cho rằng, cơ quan này sẽ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt theo diễn biến của thị trường.
Mới đây, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho rằng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu khi đánh giá về mức tăng tín dụng thấp 3,17% trong 5 tháng đầu năm (so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15% trong cả năm 2023).
Mạnh Hà