Đảng cần có chính sách bền vững thu hút nhân tài
Trần Trọng Biên, Thủ khoa Xuất sắc TP. Hà Nội tốt nghiệp năm 2015, phân tích: "Hiện Việt Nam đang có một lượng du học sinh khá lớn. Những du học sinh này đã có điều kiện tiếp cận các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, có những lợi thế vượt bậc với những người học trong nước và họ chính là nguồn nhân lực quan trọng trong quản trị Nhà nước, doanh nghiệp cũng như nghiên cứu khoa học… Đảng và Nhà nước cần có những chính sách, biện pháp, hành động thiết thực, cụ thể, kịp thời và mang tính bền vững để tận dụng, thu hút nguồn nhân lực trí thức cao về làm việc ở Việt Nam, vì thực tế cho thấy, có nhiều bạn sinh viên du học ở nước ngoài rồi ở hẳn, không về nước. Đơn cử như trong số 13 nhà vô địch chương trình Đường lên đỉnh Olympia thì có đến 12 người quyết định làm việc ở nước ngoài. Hay như gần đây báo chí nói nhiều đến việc Làng cờ vua Việt Nam có nguy cơ mất kì thủ Lê Quang Liêm vào tay Mỹ".
Nhiều trí thức trẻ rất tích cực góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII. Ảnh: N.M |
Tìm hiểu nguyên nhân của hiện trạng vừa nêu, Trần Trọng Biên nhấn mạnh 2 lý do cơ bản. Thứ nhất, chính sách đãi ngộ chưa tốt. Thực tế cho thấy, những ưu đãi hiện hành với người giỏi mới chỉ mang tính nhỏ lẻ, do các địa phương, các cơ quan đặt ra, tùy theo tình hình mà thực hiện, không phải một cơ chế ở tầm vĩ mô có khả năng khuyến khích những người có năng lực phấn đấu trong học tập và cống hiến theo yêu cầu ở các lĩnh vực kinh tế xã hội.
Hiện tượng “chảy máu chất xám” đang là một thực trạng, thách thức đối với đất nước và ngày càng ảnh hưởng rõ rệt tới sự phát triển chung của dân tộc. Không ít những người ra nước ngoài với mong muốn thay đổi cuộc sống, trước những đãi ngộ rất đáng để suy ngẫm của nước sở tại so với sự quan tâm nhỏ lẻ từ trong nước, thiết nghĩ họ hoàn toàn có quyền lựa chọn ở lại nước ngoài trước nỗi lo về cơm áo gạo tiền.
Thứ hai là không có môi trường làm việc tốt. Rõ ràng, những kiến thức mà các du học sinh được trang bị ở nước ngoài lại rất khó ứng dụng khi làm việc tại Việt Nam. Thực trạng “Nhất hậu duệ, Nhì quan hệ, Ba tiền tệ” trong vấn đề xin việc đã làm hạn chế khả năng tìm được việc làm của các du học sinh, không ít du học sinh về nước rơi vào cảnh thất nghiệp hoặc làm việc không đúng với chuyên môn, khả năng của bản thân. Sự thiếu thốn các điều kiện thực hiện, thiếu môi trường khoa học lại bị chèn ép, kèn cựa và hàng loạt những vấn đề tế nhị khác về thủ tục hành chính, về kinh phí, về con người, sự nhìn nhận thiếu công bằng đối với những trí thức trẻ… đã khiến những sinh viên giỏi không muốn trở lại môi trường làm việc ở Việt Nam sau khi tốt nghiệp.
"Tất nhiên là ở một nước còn nhiều khó khăn như ở nước ta thì chính sách đãi ngộ, điều kiện sẽ không thể bằng các nước tiên tiến khác trên thế giới. Vấn đề là Đảng và Nhà nước cần có những thái độ đúng đắn, những phương án cụ thể để giữ chân người tài, bằng tình cảm và những cải cách toàn diện để không chỉ những du học sinh Việt Nam mà còn các tri thức, các nhà khoa học trên thế giới sẽ lựa chọn Việt Nam làm nơi định cư và làm việc. Đây rõ ràng là vấn đề lớn, nhưng nhiều năm qua chưa được đặt ra một cách nghiêm túc", Trần Trọng Biên nhận xét.
Ở một góc nhìn khác, Ngô Thu Trang, Thủ khoa Xuất sắc TP. Hà Nội tốt nghiệp năm 2015 khuyến nghị Đảng và Nhà nước cần nhìn nhận lại về con số hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước đối với giáo dục, để đảm bảo quyền được học tập của công dân và xem xét bổ sung nhiều hơn chính sách đối với học sinh, sinh viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ tương xứng và phù hợp với mức sống bình thường của họ. "Không thể phủ nhận thực trạng có rất nhiều bạn trẻ sau khi nghe tin đỗ Đại học đã phải ngậm ngùi cất giấy báo đỗ đại học, gác lại sự nghiệp học tập để tiếp tục cuộc sống mưu sinh, vì không đủ tiền đóng học phí và trang trải sinh hoạt trong những năm đại học. Mặc dù Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ vay vốn để trang trải học tập đối với học sinh, sinh viên nghèo nhưng với mức hơn 1 triệu đồng/tháng là không thể đáp ứng được nhu cầu học tập và sinh hoạt của sinh viên nghèo", Ngô Thu Trang chia sẻ.
Bản thân đang là sinh viên trường Đại học Thương mại, Đào Thị Phương Thảo mạnh dạn góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XII theo góc độ là một sinh viên, một Đảng viên trẻ. "Đảng và Nhà nước cần có chế độ đãi ngộ hơn đối với các trí thức để họ có điều kiện cống hiến, mở rộng hội nhập trong giáo dục và nên bổ sung hướng đi mới trong giáo dục về vấn đề hội nhập. Mặt khác, cần quan tâm hơn nữa về chất lượng đời sống, các chế độ ưu tiên cho sinh viên. Phát triển công tác Đảng trong sinh viên, tạo điều kiện cho những sinh viên xuất sắc, có lập trường tư tưởng vững vàng, động cơ phấn đấu vào Đảng trong sáng, lành mạnh, mong muốn đứng vào hàng ngũ Đảng viên để cống hiến", Đào Thị Phương Thảo khuyến nghị.