Dân mạng bóc mẽ trò lừa ‘đĩa bay’ ở Thanh Hóa
Theo diễn đàn kythuatin, đĩa bay trong ảnh của em Đạt được tìm thấy dễ dàng trên Google và sau đó được ghép một cách đơn giản. |
Tuy nhiên, cư dân mạng đã nhanh chóng bóc mẽ trò lừa của Đạt. Trên diễn đàn kỹ thuật Việt Nam (kythuatin), thay vì ngồi phân tích bức hình "đĩa bay" như các chuyên gia, thành viên tuan99kti cho biết hình "đĩa bay" này quá quen thuộc nên chỉ cần tìm kiếm trên mạng là nhanh chóng có câu trả lời.
“Chẳng khó khăn gì tìm được một chiếc UFO (vật thể lạ) giống hệt trong hình. Chỉ cần lên Google Hình ảnh, gõ chữ UFO là ra ngay cái hình đó”, thành viên này viết trên diễn đàn. Tuan99kti kết luận đây đích thị hình fake (giả), và đó cũng là nguồn hình gián tiếp hoặc trực tiếp mà có thể bạn Đạt đã sử dụng. “Trò này trước sau gì cũng bị bóc mẽ thôi, không biết dư luận sẽ xử lý bạn Đạt này như thế nào đây? Nói chung đây cũng là bài học cho những bạn nào dùng trình độ vi tính không đúng mục đích, thách thức cộng đồng mạng, đánh lừa dư luận”, thành viên này nhận định.
Hình đĩa bay của em Đạt được tìm thấy trên Google. |
Cũng trên diễn đàn này, thành viên quocdinh72 cho rằng hình trong điện thoại của Đạt mờ ảo nên nhìn có vẻ thật hơn. Hầu hết cư dân mạng cho rằng đây là trò lừa và không loại trừ khả năng còn nhằm quảng bá cho thương hiệu của chiếc điện thoại chụp hình "đĩa bay". Một số trang mạng khi đăng hình đã khéo léo xóa đi dòng chữ mang thương hiệu chiếc điện thoại đã chụp bức hình này. Một số người cho rằng nếu không phải ghép ảnh thì có thể trẻ em trong vùng chơi đĩa bay (loại được bán trên thị trường đồ chơi điện tử) và tình cờ Đạt chụp được.
Qua trao đổi nhanh, ông Phạm Bá Oai, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa cho biết: "Khi nghe thông tin về sự việc trên, chúng tôi liên lạc với chính quyền xã Hoằng Hà, nhưng người dân và lãnh đạo xã không ai nhìn thấy sự việc gì trên bầu trời vào thời điểm trên".
Em Đạt kể khá chi tiết về việc tình cờ chụp được hình "đĩa bay"?. |
Cách đây 1 năm rưỡi, dư luận cũng từng xôn xao với đoạn video quay một vật thể lạ bay trên bầu trời TP.HCM. Tuy nhiên, qua phân tích kỹ, nhiều người cho rằng đây chỉ là một trò lừa bịp bằng kỹ xảo công nghệ, có thể được tung ra vì mục đích muốn gây sự chú ý để gián tiếp quảng cáo cho một sản phẩm nào đó.
Theo Tiền Phong