Đảm bảo không còn phơi nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng
Đảm bảo không còn phơi nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng
Hội thảo khoa học về khắc phục môi trường ô nhiễm dioxin tổ chức ngày 8/8 tại Đà Nẵng - Ảnh: HC |
Thiếu tướng Lê Huy Vịnh, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ), Trưởng BQL dự án "Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng" cho hay, sau nhiều cố gắng của Chính phủ hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và các Bộ ngành hữu quan, dự án này đã được các cấp thẩm quyền của Nhà nước Việt Nam phê duyệt.
Theo đó, dự án do Bộ Quốc phòng Việt Nam làm cơ quan chủ quản dự án và Quân chủng PK-KQ làm chủ dự án. USAID là nhà tài trợ của dự án. Thời gian thực hiện dự án theo kế hoạch ban đầu là trong 5 năm 2011 - 2015, nhưng do việc tổ chức đấu thầu quốc tế của USAID chậm lựa chọn được nhà thầu thích hợp nên dự án sẽ được kéo dài đến năm 2016.
Hoạt động tập kết, vận chuyển chất độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng trong thời kỳ chiến tranh trước năm 1975 - Ảnh: HC |
Theo bà Kyung "KC" Choe (đại diện USAID), nội dung chính của dự án gồm rà phá bom mìn, vật liệu nổ; đào xúc, vận chuyển đất, bùn nhiễm dioxin trên tổng diện tích khoảng 191.400m2 về mố tập kết để xử lý; tiến hành xử lý khoảng 73.000m3 bùn, đất nhiễm dioxin với công nghệ mới nhất hiện nay là khử hấp thu nhiệt trong mố (nhiệt lượng lên tới 3350C với hơn 95% dioxin bị phá huỷ trong mố, số còn lại chuyển thành hơi qua hệ thống xử lý hơi); đồng thời khôi phục lại cảnh quan môi trường các khu vực đã tiến hành thực hiện dự án...
Thực hiện quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ngày 17/6/2011, Quân chủng PK-KQ đã tổ chức lễ khởi công hạng mục đầu tiên của dự án là rà phá bom mìn, vật liệu nổ trong khu vực thực hiện dự án ở sân bay Đà Nẵng. Sau hơn 4 tháng làm việc tích cực của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 28 (thuộc Quân chủng PK-KQ), ngày 20/10/2011, hạng mục này đã hoàn thành và tổ chức nghiệm thu đạt kết quả tốt.
Các khu vực trong sân bay Đà Nẵng cần đào xúc đất ô nhiễm dioxin để xử lý - Ảnh: HC |
Đánh giá tác động môi trường của dự án đã được Hội đồng khoa học cấp Nhà nước thông qua và đã được Bộ trưởng Bộ TN-MT phê chuẩn ngày 22/5/2012. Ngày 30/3/2012, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng đã phê duyệt thiết kế tổng dự toán hạng mục vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam trong dự án này. Hiện hạng mục đào xúc và vận chuyển đất nhiễm dioxin về mố để xử lý đang tổng hợp ý kiến của các nhà khoa học, các cơ quan chuyên ngành để trình Bộ Quốc phòng phê duyệt trong thời gian tới.
Công nghệ khử hấp thu nhiệt trong mố để xử lý đất nhiễm dioxin đã được Bộ Quốc phòng và USAID tổ chức hai cuộc hội thảo xin ý kiến các cơ quan trong và ngoài quân đội vào tháng 5 và tháng 7/2012. Dự kiến Bộ Quốc phòng sẽ tổ chức Hội đồng thẩm định công nghệ dải hấp thụ nhiệt để xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng vào tháng 11/2012.
Thiếu tướng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh, đây là một dự án mà nhân dân và Chính phủ hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ đều rất mong muốn, nhằm xử lý triệt để chất độc tồn dư sau chiến tranh để lại trên đất nước Việt Nam. Mục tiêu lâu dài của dự án là hỗ trợ sự phát triển năng lực của Việt Nam trong việc xử lý dioxin và các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ ở các khu vực nhiễm bẩn, có đe doạ đến sức khoẻ con người và môi trường.
"Trước mắt, mục tiêu của dự án này là thực hiện việc xử lý và hỗ trợ quan trắc, xử lý đất và bùn lắng nhiễm bẩn dioxin tại sân bay Đà Nẵng nhằm đảm bảo không còn rủi ro phơi nhiễm dioxin tới con người hay môi trường ở khu vực này!" - Thiếu tướng Lê Huy Vịnh cho biết.
Các thiết bị bảo vệ nhân công trong quá trình xử lý đất ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng - Ảnh: HC |
Theo ông, dự án "xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng" thực hiện thành công sẽ tạo ra 29ha đất sạch sử dụng cho mục đích kinh tế, thương mại và làm mất đi nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm dioxin cho người dân chung quanh khu vực này. Đồng thời đánh dấu sự phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ.
Được biết, tổng kinh phí mà phía Hoa Kỳ tài trợ (không hoàn lại) cho dự án "Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng" khoảng 42 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 35 tỉ đồng. Thiếu tướng Lê Huy Vịnh và bà Kyung "KC" Choe đều nhấn mạnh, sự thành công của dự án này sẽ là tiền đề để Chính phủ hai nước tiếp tục thực hiện việc khắc phục hậu quả chất độc tồn dư sau chiến tranh tại 6 điểm nóng khác của Việt Nam là các sân bay Biên Hoà, Phù Cát, Pleiku, Nha Trang, Cần Thơ và Tân Sơn Nhất.
HẢI CHÂU