Đắk Nông: Giảm nghèo bền vững tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Những mục tiêu dài hạn
Với quyết tâm triển khai các giải pháp giảm nghèo cho người dân, cuối tháng 12/2016 HĐND tỉnh đã ra nghị quyết ban hành chương trình giảm nghèo đến năm 2020. Trong chương trình này HDNĐ tỉnh đã đưa ra những mục tiêu rất cụ thể như sau: hàng năm giảm 2% trở lên, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3%; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản sẽ được hỗ trợ các điều kiện để cải thiện và tiếp cận các dịch vụ về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về tiêu chí thu nhập được hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định để tăng thu nhập.
Nhiều HTX ở Đắk Song sản xuất hồ tiêu theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng. |
Riêng mục tiêu giảm nghèo về thông tin, tỉnh sẽ đào tạo kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông tại cơ sở. Đồng thời hỗ trợ các hoạt động như sản xuất, biên tập, phát sóng, phát hành, truyền tải… nhằm phục vụ người đọc các sản phẩm báo chí, chương trình phát thanh, truyền hình để phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.
Để đánh giá việc thực hiện công tác này, vào đầu tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017.
Theo báo cáo tại hội nghị, trong thời gian qua, tỉnh đã huy động được sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, sự đồng thuận của quần chúng nhân dân trong công tác giảm nghèo bền vững. Các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, vận động xã hội hóa và lồng ghép từ chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững được thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, cơ bản bao phủ được số hộ nghèo và địa bàn xã còn khó khăn; người nghèo tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản. Tuy còn một số mặt chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng kết quả giảm nghèo đã tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội và ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Sau khi thảo luận, UBND các huyện, thị xã đã thống nhất và đi tới ký cam kết thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm của từng đơn vị. Theo đó, chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm cụ thể của các đơn vị như sau: Thị xã Gia Nghĩa từ 0,3-0,5%; huyện Đắk Glong và huyện Tuy Đức giảm từ 4-5%; các huyện: Đắk R'lấp, Đắk Song, Đắk Mil, Cư Jút, Krông Nô giảm từ 2 - 2,5%.
Hợp tác xã nông nghiệp Krông Nô đã và đang từng bước hình thành vùng nguyên liệu tập trung, tham gia vào chuỗi giá trị để đưa sản phẩm ca cao ra thị trường quốc tế. |
Trong năm 2016, tỉnh đã chi hơn 800 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó, kinh phí thuộc các dự án, đề án, vốn tín dụng là 536,4 tỷ đồng; Kinh phí thuộc các chương trình, dự án y tế, giáo dục, nhà ở là 251,273 tỷ đồng; Từ Nghị quyết 30a là 14,7 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 19,20%, giảm 0,06% so với năm 2015 (19,26%), trong đó tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số còn khá cao, với 40,38%.
Đề nghị Trung ương xây dựng các chính sách phù hợp
Theo báo cáo mới đây của UBND tỉnh gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc thực hiện rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo giai đoạn 2017 - 2018, tỉnh cho rằng việc tích hợp thực hiện các chính sách giảm nghèo cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn nhất định, cần phải có sự điều chỉnh cho hợp lý hơn. Lấy ví dụ về chính sách hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ, dù mang lại những hiệu quả thiết thực nhưng do mức hỗ trợ vay thấp (tối đa 25 triệu đồng/hộ), trong khi vốn hỗ trợ của địa phương còn hạn chế và giá cả nguyên vật liệu, nhân công tại Tây Nguyên rất cao nên ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách.
Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực giúp bà con giảm nghèo bền vững. |
Với chương trình giảm nghèo bền vững (Chương trình 135), tỉnh nhận định việc bố trí nguồn vốn đầu tư còn dàn trải, không tập trung, định mức đầu tư chưa đủ theo quy định nên chưa bảo đảm cho các mục tiêu, kế hoạch đã được phê duyệt. Việc xây dựng kế hoạch, lựa chọn công trình, huy động, lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện dự án của địa phương còn gặp nhiều khó khăn.
Tỉnh cũng nêu ra một số hạn chế tại các chính sách hỗ trợ giáo dục theo Nghị định 86 và Nghị định 116 của Thủ tướng Chính phủ; Chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế đối với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng đặc biệt khó khăn; Chính sách hỗ trợ tiền điện theo Quyết định số 60 của Thủ tướng. Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt theo Quyết định số 1592 và Quyết định số 755 của Thủ tướng. Từ đó, tỉnh đề nghị các bộ, ngành trung ương nghiên cứu, xây dựng các chính sách giảm nghèo theo hướng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa của từng vùng; Xem xét, tăng định mức hỗ trợ hoặc chuyển sang hỗ trợ vay vốn, tích hợp một số chính sách để tăng định mức hỗ trợ cho hộ nghèo.