Đắk Lắk: Lạ lùng phương án cải tạo môi trường ở Krông Pắk
Cấp sai đối tượng?
Khu vực khai thác cát của Công ty Trung Thái. |
Năm 2003, UBND tỉnh Đắk Lắk có Quyết định số 32/QĐ-UB về việc phê duyệt và bàn giao toàn bộ diện tích 33 ha đất là khu vực khoáng sản có tính đặc thù (tại thôn 5, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk) cho UBND huyện Krông Pắk quản lý và cấp giấy phép khai thác.
Trên cơ sở đó, UBND huyện Krông Pắk đã cấp phép cho một số cơ sở sản xuất gạch trên địa phương khai thác, lấy sét làm nguyên liệu. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, các cơ sở sản xuất gạch chưa thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường.
Năm 2016, Công ty TNHH Xây dựng - Thương Mại - Dịch vụ Trung Thái (viết tắt là Công ty Trung Thái – Krông Pắk – Đắk Lắk) tiến hành các thủ tục về việc xin lập dự án thăm dò, khai thác cát tại 33 ha đất nói trên.
Ngày 8/2/2017, UBND tỉnh Đắk Lắk có Quyết định số 261/QĐ-UBND, phê duyệt cho Công ty Trung Thái thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường đối với diện tích hơn 33 ha đất đã qua khai thác sét thành ruộng lúa một vụ tại thôn 5, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk.
Theo phương án được duyệt của Công ty Trung Thái, trên diện tích hơn 33 ha, phía Công ty này sẽ chia ra 2 khu vực. Trong đó, phần diện tích gần 6 ha sẽ tiến hành tận thu cát, sét để tăng thu nhập.
Phần diện tích hơn 11 ha đang trồng lúa, phía Công ty sẽ giữ nguyên hiện trạng. Gần 16 ha còn lại, phía công ty sẽ cải tạo thành ruộng lúa một vụ.
Dùng máy múc khai thác đất sét (ảnh do cơ quan chức năng cung cấp) |
Phía Công ty Trung Thái cũng dự tính sẽ tận thu mỗi ngày 100m3 cát và 100m3 sét trong vòng từ 8-12 tháng. Về công tác phục hồi môi trường, Công ty Trung thái dự trù sẽ thực hiện trong vòng 2 năm.
Sau khi được phê duyệt phương án, Công ty Trung Thái nhanh chóng cho máy móc và thiết bị vào khai thác cát, sét và đã từng bị UBND huyện Krông Pắk lập biên bản.
Về việc này, một lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Krông Pắk cho hay, trước đây UBND tỉnh đã giao cho huyện quản lý, cấp phép một phần trên diện tích 33 ha đất nói trên. Sau đó, huyện đã cấp phép cho một số hộ dân tiến hành khai thác đất sét. Như vậy, khi UBND tỉnh đồng ý cho phương án của Công ty Trung Thái trên 33 ha đất nói trên thì đã gây ra sự chồng chéo, cấp chồng lên một số diện tích huyện đã cấp trước đó.
Cũng theo vị cán bộ này, ngoài sự chồng chéo thì việc xác định đối tượng cải tạo phục hồi môi trường cũng không đúng. “Đối tượng đúng là đối tượng đang tiến hành khai thác mà chưa có phương án cải tạo, phục hồi môi trường chứ không phải Công ty Trung Thái”.
“Riêng huyện Krông Pắk là một trong những thành phần nằm trong Hội đồng thẩm định cho dự án này, tuy nhiên ngay từ đầu huyện đã không đồng ý vì sai đối tượng và cấp chồng lên chỗ đã cấp nhưng do chỉ được một phiếu nên không làm gì được”, vị lãnh đạo phòng TN&MT này cho hay.
Huyện Krông Pắk đi kiểm tra lập biên bản Công ty Trung Thái vì có hành vi khai thác cát (ảnh do cơ quan chức năng cung cấp). |
Vội vàng “tận thu”?
Theo quan sát của PV, sau khi được phê duyệt phía Công ty Trung Thái chưa thực hiện phương án cải tạo, phục hồi môi trường mà đã nhanh chóng bước vào công cuộc “tận thu triệt để lượng cát có sẵn”.
Hiện trường tại một khu vực trên diện tích 33ha đất nói trên cho thấy, phía Công ty Trung Thái đã cho máy múc, máy bơm và các phương tiện khác “tận thu” cát. Nhiều diện tích bị biến thành ao hồ sâu hoắm, xuất hiện cả những cồn cát lớn và chưa có biểu hiện cải tạo và phục hồi môi trường như trong phương án được duyệt.
Ngoài ra, công ty này cũng không lắp đặt hệ thống biển báo nguy hiểm để cho người dân biết.
Trong vai một người hỏi mua sét, PV gọi điện thoại cho ông Nguyễn Văn Chính, đại diện của Công ty Trung Thái.
Qua điện thoại, ông Chính cho biết, hiện Công ty chỉ có cát chứ không có sét bán. Một lúc sau, PV tiếp tục gọi lại hỏi mua cát, ông Chính cho biết, “cát bên này xấu, giá 60 ngàn/khối”.
Sự bất nhất trong Hội đồng thẩm định
Khu vực khai thác đã biến thành ao hồ. |
Việc Công ty Trung Thái được khai thác cát trong khu vực cải tạo môi trường đang gây ra nhiều tranh cãi giữa các cơ quan chức năng, trong đó chính những người trực tiếp nằm trong Hội đồng thẩm định đã phải thừa nhận phương án Phục hồi và cải tạo môi trường này là sai.
PV Infonnet đã trao đổi với hai thành viên Hội đồng thẩm định phương án này, đó là các ông: Nguyễn Văn Thiềm, Trưởng phòng Quản lý Khoáng sản (Sở TN&MT) tỉnh Đắk Lắk và ông Nguyễn Hoàng Tùng, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ Môi trường tỉnh Đắk Lắk.
Ông Nguyễn Văn Thiềm cho hay, việc Công ty Trung Thái tiến hành tận thu cát ngay thời điểm này là chưa hợp lý. Bởi lẽ, “cải tạo, phục hồi môi trường” và “tận thu cát, sét” là hai lĩnh vực khác nhau, tách biệt với nhau chứ không phải song hành.
Ông Thiềm khẳng định: “Cải tạo phục hồi môi trường là vấn đề liên quan đến Luật Môi trường. Trong khi đó, việc tận thu cát, sét lại liên quan đến Luật Khoáng sản. Việc tận thu cát, sét của Công ty Trung Thái chưa được UBND tỉnh ký cấp phép. Khi nào tỉnh ký và có thông báo thì chúng tôi sẽ giám sát việc tận thu của Công ty Trung Thái”.
Khi PV Infonet chất vấn về tính đúng đắn trong phương án cho Công ty Trung Thái phục hồi và cải tạo môi trường ở khu vực đất nói trên, ông Thiềm khẳng định, phương án cải tạo này là sai.
Còn riêng ông Nguyễn Hoàng Tùng (Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ Môi trường tỉnh Đắk Lắk) lại cho rằng, phía Chi cục chỉ duyệt phương án cải tạo khu vực trên thành đồng ruộng còn việc Công ty Trung Thái khai thác cát là sai, trách nhiệm này thuộc về UBND huyện Krông Pắk.
Quan điểm của ông Tùng là khi cấp phương án này cho Công ty Trung Thái thì Công ty này phải san bằng hoặc làm thế nào đó để cấy lúa được.
Clip: Công ty Trung Thái tận thu cát dù chưa được cho khai thác: