Đắk Lắk: Kênh thủy lợi chục tỷ lồi lõm không dẫn nước vào ruộng
Một kênh thủy lợi chỉ dài hơn 1km, được đầu tư gần 15 tỷ đồng nhưng không dẫn được nước vào ruộng. Không những thế, con kênh này còn gây ra sạt lở đất của người dân khiến nagan sách phải chi gần 1 tỷ đồng để sửa chữa.
Kênh thủy lợi D3 thuộc tổ hợp Công trình hồ chứa nước Krông Búk hạ, được xây dựng từ năm 2012, đi qua địa bàn buôn Kla và Krai A, xã Krông Búk, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk). Công trình có chiều dài khoảng 1,2km, tổng vốn đầu tư hơn 14 tỷ đồng, do UBND huyện Krông Pắk làm chủ đầu tư.
Ruộng thiếu nước, nứt nẻ dù nằm sát kênh thủy lợi. |
Theo phản ánh của người dân, từ khi xây dựng xong tuyến kênh D3 đến nay, người dân làm ruộng chưa được lợi gì, ruộng đồng thì nứt nẻ, khô hạn dù không phải mùa khô.
Ông Phạm Ngọc Khương (trú thôn 9, xã Krông Búk) cho biết, ngay từ khi còn đang thi công kênh D3, người dân thấy không ổn nên đã phản ánh với đơn vị thi công “nếu làm như thế này thì không dẫn được nước vào ruộng”, nhưng không hiểu sao họ vẫn làm.
“Từ ngày xây dựng đến nay, người dân của chúng tôi không có giọt nước tưới cho lúa mà chỉ lấy nước rỉ ra từ nhà dân và một tuyến kênh khác, hiện tại nước không còn, ruộng đồng đã khô cạn”, ông Khương nói thêm.
Thiết kế kênh D3 (phần cống bê tông ngập dưới nước) thấp hơn mặt ruộng. |
Người dân phải dùng máy móc bơm nước vào ruộng để cứu lúa. |
Theo báo cáo của UBND xã Krông Búk ngày 25/1/2021, nguyên nhân tuyến kênh không phát huy được hiệu quả là do kênh D3 sâu hơn mặt ruộng nên không tưới được cho cánh đồng thôn 9.
Báo cáo cũng nêu rõ, kênh D3 sâu hơn mặt đất tự nhiên từ 1 đến 10m, một số đoạn bị sạt lở, bùn sụt lún làm tắc nghẽn khiến nước không dẫn được tới cuối kênh, làm ảnh hưởng tới các hộ dân 2 bên kênh.
Một lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Krông Pắk cho hay, hệ thống kênh này hoàn toàn không có hiệu quả, không dẫn nước mà còn gây sạt lở, phải mất kinh phí lớn để khắc phục cho người dân.
Theo thống kê, hiện 2 bên bờ kênh D3 có 6 điểm bị sạt lở nghiêm trọng, tỉnh Đắk Lắk đã bố trí 850.000.000 đồng giao cho UBND xã Krông Búk làm chủ đầu tư để khắc phục sự cố.
Đoạn kênh bị sạt lở và đang được gia cố với chi phí gần 1 tỷ đồng. |
Về nguyên nhân gây sạt lở, qua quan sát thời gian dài, người dân nhận thấy, do kênh đào quá sâu, có những đoạn kênh có độ âm so với mặt đất lên tới gần chục mét, khi trời mưa lớn, nước bị tích lại ở những vị trí này lâu ngày, ngấm dần vào đất và sẽ gây ra sạt lở.
Tuyến kênh được đào sâu xuống hàng chục mét tạo thành những "hố bom". Khi nước mưa tích lại lâu ngày, nước ngấm dần vào đất, gây ra sạt lở, làm ảnh hưởng đến ruộng đất của người dân ở 2 bên bờ kênh. |
Dẫn PV đi khảo sát dọc tuyến kênh, ông Y Sol Nie, Chủ tịch UBMTTQ xã Krông Búk khẳng định: Đường ống tuyến kênh này thấp hơn mặt ruộng nên không thể dẫn nước vào ruộng được. Không những thế, rất nhiều đoạn cũng bị đất đá vùi lấp nên tắc dòng.
Ông Y Sol Nie dẫn chúng tôi lên thượng nguồn, nơi kênh D3 tiếp giáp kênh chính Đông (thuộc dự án hồ Krông Búk hạ). Tại đây, lượng nước từ hồ chảy về kênh D3 rất lớn nhưng khi chảy vào kênh D3 đều bị trào ngược trở ra vì hệ thống cống của kênh này bị tắc nghẽn.
Ông Y Sol Nie, Chủ tịch UBMTTQ xã Krông Búk (người đi trước) dẫn PV đi dọc con kênh để quan sát hiện trạng. |
“Người dân 2 buôn Kla và Krai A ý kiến phản đối rất nhiều về tuyến kênh này, không những không có tác dụng mà nó còn gây sạt lở nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân”, ông Y Sol Nie cho hay.
Theo tìm hiểu của PV, Công ty MTV xây dựng - thương mại Thiện Lộc chính là đơn vị trúng thầu xây dựng công trình kênh D3. Công ty này do bà Nguyễn Thị Năm làm đại diện pháp luật và bà Năm là vợ ông Trần Đức Lanh - nguyên phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Năm xác nhận Công ty Thiện Lộc đã thi công tuyến kênh D3 và hiện cũng là đơn vị được chỉ định thầu gia cố kênh D3.
Bà Năm khẳng định Công ty Thiện Lộc thi công đúng thiết kế được phê duyệt chứ không chịu trách nhiệm trong việc vận hành.
Sông Cài