Chuyện lạ ở Đắk Nông: Cánh đồng 'khát' khô bên con kênh 'chống hạn'
Vừa được cải tạo, nâng cấp hiện đại nhưng con kênh mới thiết kế không hợp lý nên không dẫn đủ nước vào cánh đồng khiến hàng trăm hecta ruộng "khát nước", nông dân bức xúc lo lỡ vụ Đông - Xuân.
“Lỡ hẹn” vụ mùa
Cánh đồng xã Buôn Choah (xã Buôn Choa, huyện Krông Nô, Đắk Nông) với tổng diện tích hơn 600ha là vùng chuyên canh sản xuất lúa đặc sản; đồng thời là vùng sản xuất lương thực trọng yếu của tỉnh Đắk Nông.
Thế nhưng, những ngày gần đây, đúng dịp canh tác vụ mùa thì cả cánh đồng cạn khô vì thiếu nước, người nông dân thấp thỏm như “ngồi trên đống lửa” vì không biết khi nào mới có thể làm đất, gieo sạ cho kịp vụ Đông - Xuân (vụ mùa).
Theo một số người dân chia sẻ, nguyên nhân xuất phát từ việc nâng cấp kênh cũ tại trạm bơm số 1 và số 3 trên cánh đồng Buôn Choah. Khoảng 2km kênh mương cũ được cải tạo, nâng cấp mới nhưng… không đủ nước.
Đoạn đầu kênh nước tràn.
Đoạn cuối cạn trơ đáy.
Đoạn đầu kênh thì nước tràn ngập bờ, đến đoạn cuối thì lại cạn trơ đáy. Người dân hoài nghi hệ thống điện, máy bơm và cao trình kênh có vấn đề. Phần đáy của đoạn cuối kênh cao hơn đoạn đầu kênh, do đó, nước về cuối kênh không đủ cho việc sản xuất. Còn nguồn điện chỉ đủ cho 1 máy bơm hoạt động, nếu bơm 2 máy liên tục là quá tải.
Bà La Thị Chấn (thôn Ninh Giang, xã Buôn Choah) bức xúc thông tin: “Nếu bơm 1 máy, đoạn cuối kênh nước chưa đủ thấm nền. Nếu bơm 2 máy, đóng 17 cửa xả ở phía trên thì đoạn đầu kênh nước tràn, đoạn cuối nước về chỉ được khoảng 20cm, bà con không đủ dùng để tưới ruộng. Bên cạnh đó, do điện yếu nên bơm 2 máy liên tục cũng không được”.
Còn ông Đinh Văn Làu (thôn Ninh Giang) cho hay, bà con phải thay phiên nhau túc trực ngày đêm để lấy nước, cứu những diện tích đã gieo sạ. Hầu hết nông dân canh tác trên cánh đồng này phải tự túc hàng chục máy bơm để bơm nước từ sông và mương tiêu lên ruộng. “Kênh mới dẫn nước không đủ nên bà con phải chia nhau người lấy nước ban ngày, người lấy ban đêm. Gia đình tôi chưa đến lượt lấy nước nên hơn 6 sào lúa đã gieo sạ rơi vào tình cảnh nứt nẻ, khô khốc”, ông Làu chia sẻ.
Ruộng ông Làu nứt nẻ vì thiếu nước. |
Đề nghị kiểm tra lại thiết kế
Theo ông Phan Vận, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đầu tư xây dựng Công trình nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông (đơn vị chủ đầu tư), hệ thống kênh trạm bơm số 1, số 3 nói trên đều thuộc Dự án Nâng cấp công trình thủy lợi phòng, chống hạn hán trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Đường Việt tư vấn thiết kế, Công ty Cổ phần Xây dựng Đắk Lắk thi công.
Tổng mức đầu tư của dự án gần 200 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 dự án được bố trí 166 tỷ đồng để thi công các hạng mục như hồ chứa nước, trạm bơm, kênh mương…phục vụ tưới tiêu ở cánh đồng xã Buôn Choah. Dự án này dự kiến hoàn thành vào ngày 31/12/2020, nhưng sau đó được gia hạn đến hết tháng 5/2021.
Cũng theo ông Vận, đơn vị đã kiểm tra nhiều lần và khẳng định hệ thống kênh được thi công theo thiết kế.
Cơ quan chức năng kiểm tra công tác vận hành kênh. |
Về vấn đề nước đầu kênh tràn, cuối kênh về ít, ông Vận giải thích rằng: "Do đầu kênh là phía nguồn, khi bơm lên thì nước chưa chảy kịp nên tràn ra. Ngoài ra, do bà con phía trên xả quá nhiều nên nước không về đến cuối tuyến kênh".
Để tìm giải pháp tháo gỡ những bất cập tại kênh mới thuộc trạm bơm số 1 và số 3 trên cánh đồng Buôn Choah, ngày 15/1, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đắk Nông đã phối hợp với nhiều đơn vị liên quan thành lập đoàn công tác, đến kiểm tra thực tế tình hình tại cánh đồng xã Buôn Choah.
Nhiều người dân bức xúc phản ánh việc thiếu nước sản xuất với đoàn công tác. |
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Thinh, Chủ tịch UBND xã Buôn Choah cho biết, vào thời điểm này hằng năm, bà con đã xuống giống 100% diện tích (khoảng 600ha lúa, ngô). Vụ mùa năm nay, do thiếu nước nên còn khoảng 335ha ruộng (ở trạm bơm số 1 và số 3) gieo sạ chậm, có nguy cơ cao ảnh hưởng đến năng suất.
Sau khi làm việc, kiểm tra thực tế ở cánh đồng và cho vận hành điều tiết nước, đoàn công tác nhận định: Việc người dân phản ánh nước đoạn đầu kênh tràn, nước cuối kênh về ít, không đủ để gieo sạ là đúng thực tế. Ngoài ra, nguồn điện yếu nên chỉ đủ phục vụ cho 2 máy bơm hoạt động dưới 2 tiếng đồng hồ. Nếu bơm vượt quá thời gian trên, có nguy cơ xảy ra cháy trạm biến áp, hỏng hệ thống máy bơm vì quá tải. Để xảy ra tình hình trên là do hệ thống kênh chưa hoàn thiện. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các bên liên quan và chính quyền địa phương chưa tốt.
Do đó, đoàn công tác yêu cầu chủ đầu tư (Ban Quản lý các dự án Đầu tư xây dựng Công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông) xem xét lại thiết kế, cao trình kênh để có báo cáo cụ thể và đưa ra giải pháp xử lý phù hợp, đảm bảo tình hình sản xuất cho bà con.
Các bên thống nhất giao chủ đầu tư rà soát lại thiết kế, thông số kĩ thuật, đáy kênh, thành kênh, công suất trạm bơm..., làm rõ nguyên nhân chưa đảm bảo lượng nước tưới và có báo cáo cụ thể về Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đắk Nông để báo cáo lên UBND tỉnh Đắk Nông.
Tại buổi làm việc, ông Trần Đăng Ánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô đề nghị chủ đầu tư phải làm rõ cao trình kênh, nếu sai sót thì phải khắc phục.
“Qua kiểm tra đã thấy việc nước chảy về cuối kênh ít, không đủ sản xuất là đúng. Do đó, chủ đầu tư cần phải kiểm tra lại cao trình kênh để có giải pháp xử lý”, ông Ánh đề nghị.
Trần Nhân