Đắk Lắk: Hạn hán kéo dài, dân xót xa cắt lúa non cho bò ăn
Nhiếu cánh đồng bị bỏ hoang vì thiếu nước tại huyện Lắk. |
Hàng ngàn hecta cây trồng thiếu nước
Theo báo cáo sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Lắk, trên toàn tỉnh có 782 công trình thủy lợi gồm: 118 đập dâng; 57 trạm bơm và 607 hồ chứa nước với tổng dung tích khoảng 650 triệu m3.
Tuy nhiên, hiện mực nước ở các hồ chứa trên địa bàn đều giảm nhanh do quá trình phục vụ sản xuất và thời tiết nắng nóng. Đặc biệt, các hồ chứa nhỏ còn khoảng dưới 35% dung tích thiết kế. Trong đó, có 34 hồ đã cạn khô. Các hồ chứa vừa và lớn còn khoảng từ 40-60% trữ lượng nước theo dung tích thiết kế. Nhiều đập dâng, trạm bơm không đảm bảo năng lực thiết kế do lượng dòng chảy giảm mạnh.
Mương dẫn nước khô khốc ở huyện Lắk. |
Cũng theo Sở NN&PTNT Đắk Lắk, trong vụ Đông-Xuân 2019-2020, trên toàn tỉnh có khoảng 290.000 ha cây trồng. Hiện, có khoảng 5.415 ha cây trồng bị hạn, gồm 2.344 ha lúa, 1.416 ha cây hoa màu, 1.655 ha cây lâu năm.
Nếu đến giữa tháng 4/2020 vẫn không có mưa, dự kiến toàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 30.000 ha cây trồng bị thiếu nước tưới (gồm 4.000 ha lúa, 1.000 ha hoa màu và 25.000 ha cây lâu năm). Đặc biệt, nếu tình trạng hạn hán kéo dài, sẽ có khoảng 2.000 ha cây trồng (gồm 500 ha lúa, 300 ha cây hoa màu và 1.200 ha cây lâu năm) đối diện nguy cơ mất trắng.
Theo ông Mai Trọng Dũng (Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk), hiện các địa phương, đơn vị liên quan đang tích cực triển khai các giải pháp để khắc phục tình trạng hạn hán, bảo vệ sản xuất. Đồng thời, phía Sở NN&PTNT Đắk Lắk đang tổng hợp kết quả báo cáo từ các địa phương về tình trạng thiệt hại do thiếu nước gây ra trên địa bàn.
Lúa non thành thức ăn cho bò
Tình trạng nắng nóng kéo dài, hồ hủy lợi, ao suối cạn khô đã khiến nhiều diện tích cây trồng tại Đắk Lắk thiếu nước trầm trọng.
Lúa thiếu nước khô héo, chị H'Hiu đành dắt bò ra cho ăn lúa. |
Vào thời điểm đầu tháng 4, khung cảnh hạn hán khốc liệt đang trải dài khắp cánh đồng các xã Bông Krang và Yang Tao (huyện Lắk). Tại đây, hàng trăm ha ruộng phải bỏ hoang trong vụ Đông-Xuân vì thiếu nước. Nhìn khắp cánh đồng, chỉ thấy màu rạ trải dài và những những kênh mương thủy lợi nằm trơ đáy, khô khốc.
Tại cánh đồng xã Bông Krang, PV gặp chị H’Hiu đang dẫn đàn bò của mình ra cho ăn lúa. Người phụ nữ này cho biết, năm ngoái mưa ít, năm nay hạn sớm nên nhiều diện tích ruộng của bà con không thể gieo sạ.
Riêng gia đình chị H’Hiu có 1 sào ruộng ở gần suối, năm ngoái đã xuống giống. Tuy nhiên, gần cả tháng nay suối cạn, thiếu nước nên lúa héo. Hết cách, chị H’Hiu đành dẫn bò ra cho ăn dần. “Thời điểm này lúa đang trổ đòng đòng nhưng thiếu nước, không thể phát triển. Nếu để lại thì lúa cho toàn hạt lép nên tôi cho bò ăn dần”, chị H’Hiu kể.
Tiếp tục đến địa bàn xã Cư Pui (huyện Krông Bông), PV cũng chứng kiến cảnh ruộng đồng nứt nẻ, nhiều diện tích lúa héo úa hoặc chết khô. Vừa gặt vội đám lúa non đang có dấu hiệu héo úa, ông Lý Văn Tu (thôn Ea Lang, xã Cư Pui) vừa kể, gia đình ông có gần 3 sào lúa trên cánh đồng thôn Ea Lang. Tuy nhiên, toàn bộ diện tích lúa của ông bị hư hết vì nắng hạn. “Mỗi ngày tôi đành cắt một ít lúa héo về cho bò. Tình hình này chắc hạn hán còn kéo dài, chúng tôi hết cách cứu lúa rồi”, ông Tu buồn rầu kể.
Ông Tu cũng "bấm bụng" cắt lúa non về cho bò vì hạn hán. |
Trước tình hình nắng nóng kéo dài, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk đề nghị đơn vị quản lý các hồ chứa chủ động nâng cao ngưỡng tràn, tăng dung tích trữ nước. Các địa phương chủ động đắp các đập tạm trên suối, nạo vét, cải tạo kênh mương; lắp đặt các trạm bơm dã chiến dọc vùng ven sông, suối lớn, bơm chuyền hoặc xả nước từ những công trình dư thừa nước, nhằm hỗ trợ cho công trình vùng hạ du phục vụ sản xuất.