Đại lý lừa đảo, DN bảo hiểm đừng nói không biết
Đại lý lừa đảo, DN bảo hiểm đừng nói không biết
LS Lê Minh Hải, Đoàn Luật sư Hà Nội, Trưởng VP luật sư Royal chia sẻ quan điểm về vấn đề này.
-Vụ việc một đại lý của một hãng bảo hiểm lớn lợi dụng tên tuổi của DN này để lừa đảo lên đến hàng trăm tỷ đồng trên địa bàn tỉnh gây xôn xao dư luận. Vậy, trách nhiệm của hãng bảo hiểm như thế nào khi đại lý bảo hiểm của hãng đó có hành vi lừa đảo khách hàng?
-Theo quy định của pháp luật trong trường hợp đại lý bảo hiểm vi phạm hợp đồng đại lý bảo hiểm, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm về hợp đồng bảo hiểm do đại lý bảo hiểm thu xếp giao kết; đại lý bảo hiểm có trách nhiệm bồi hoàn cho doanh nghiệp bảo hiểm các khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường cho người được bảo hiểm.
Nhiều người dân tụ tập đòi làm rõ vụ "siêu lừa" bảo hiểm tại Quảng Ninh. Ảnh: Dân Việt |
Như vậy, vào thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm nếu người lừa đảo đang làm lại lý bảo hiểm của hãng bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải chịu trách nhiệm về hợp đồng bảo hiểm do đại lý bảo hiểm thu xếp giao kết với khách hàng.
-Trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát của hãng bảo hiểm phải thực hiện như thế nào, để tránh nguy cơ bị đại lý bảo hiểm của mình lợi dụng, lừa đảo khách hàng?
-Trong quá trình hoạt động kinh doanh, việc tìm kiếm và tiếp cận với khách hàng cũng như phát triển hoạt động của DNBH đều thực hiện chủ yếu thông qua đại lý bảo hiểm.
Như vậy, có thể nói ĐLBH là chủ thể trung gian giữa DNBH và bên mua bảo hiểm, do vậy trách nhiệm pháp lý phát sinh trong hoạt động ĐLBH ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích của bên tham gia bảo hiểm cũng như DNBH.
Điều đó luôn đòi hỏi DNBH phải có một cơ chế quản lý đối với ĐLBH nhằm ràng buộc trách nhiệm của ĐLBH trong quan hệ bảo hiểm nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của các bên tham gia trong quan hệ bảo hiểm.
Việc đầu tiên là DNBH phải thắt chặt cơ chế tuyển dụng ĐLBH; Thường xuyên mở các lớp đào tạo nâng cao trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của ĐLBH; Hướng dẫn ĐLBH một cách chi tiết, cụ thể từng nội dung công việc được ủy quyền trong giao kết hợp đồng bảo hiểm; Quy định rõ nghĩa vụ của đại lý đối với DNBH và thỏa thuận trong hợp đồng đại lý giữa DNBH với ĐLBH;
Nghĩa vụ của ĐLBH đối với bên mua bảo hiểm cũng như trách nhiệm của đại lý trong việc thông đồng với khách hàng để trục lợi bảo hiểm hoặc lỗi vô ý để khách hàng trục lợi bảo hiểm; Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm; Xây dựng quy định về việc báo cáo công việc của các ĐLBH; Đặc biệt các DNBH cũng cần phải có những chế độ chăm sóc khách hàng trực tiếp mà không thông qua ĐLBH, có các kênh thông tin chính thống để khách hàng có thể theo dõi và xác minh tiến trình thực hiện hợp đồng cũng như các sản phẩm dịch vụ mà hãng bảo hiểm cung cấp.
-Để xảy ra lừa đảo trong một thời gian dài, lan rộng trên một địa bàn khá nóng mà Công ty BH nói không hề biết, theo ông, nguyên do là gì, và có hợp lý không?
-Do thực tế, một số lượng lớn các hợp đồng bảo hiểm được ký kết mà người mua bảo hiểm không nhất thiết phải đến hãng bảo hiểm.
Từ khâu tư vấn, giới thiệu các gói sản phẩm dịch vụ của DNBH, ký kết hợp đồng, nộp phí bảo hiểm đều được thực hiện thông qua đại lý bảo hiểm. Bên cạnh mặt tích cực của việc cung cấp dịch vụ tại chỗ này thì cũng ẩn nấp những rủi ro khác điển hình như trong vụ việc siêu lừa bảo hiểm như báo chi đã nói rất nhiều trong thời gian gần đây.
Hơn nữa thực tế ở Việt Nam là nhiều khách hàng mua bảo hiểm thông qua sự giới thiệu, mời chào từ những người thân trong gia đình, bạn bè, họ hàng… vì vậy họ đặt lòng tin tuyệt đối và dễ dàng ký kết hợp đồng bảo hiểm mà không tự mình trực tiếp tìm hiểu thông tin, xác minh lại hợp đồng bảo hiểm mà mình đã ký kết.
-Việc DN bị dính líu đến vụ lừa đảo khẳng định rằng “đại lý đó quan hệ với hãng thông qua hợp đồng đại lý và chịu trách nhiệm với các quy định về nghề nghiệp và pháp luật nhà nước” khiến dư luận cho rằng đó là sự né tránh trách nhiệm. Dưới góc độ luật pháp, vấn đề này có thể nhìn nhận đúng sai như thế nào?
-Để xác định trách nhiệm của ĐLBH với DNBH thì cần căn cứ vào hợp đồng đại lý được ký kết giữa hai bên, trong hợp đồng đại lý quy định rất rõ các quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, phạm vi hoạt động của ĐLBH, trách nhiệm của bên vi phạm…
Như tôi đã nói ở trên, trường hợp đại lý bảo hiểm vi phạm hợp đồng đại lý và gây thiệt hại cho khách hàng thì DNBH vẫn phải chịu trách nhiệm, còn để xác định trách nhiệm của ĐLBH đối với DNBH thì cần dựa trên các điều khoản được quy định trong hợp đồng đại lý.
-Xin cảm ơn ông.
Thiên Giang