Đại hội Đảng 12: Hà Nội sẽ xin cơ chế đặc thù để phát triển Thủ đô
Sáng nay 22/1, góp ý văn kiện Đại hội Đảng 12, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trình bày tham luận của Đảng bộ TP. Hà Nội mang tên: "Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên địa bàn Thủ đô trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng".
Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội trình bày tham luận "Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên địa bàn Thủ đô trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng". Ảnh: TTXVN |
Trình bày tham luận, ông Nguyễn Đức Chung khẳng định: “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một định hướng quan trọng của Đảng ta.
Qua các kỳ Đại hội, từ Đại hội 6 đến Đại hội 11, quan điểm của Đảng về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không ngừng phát triển, hoàn thiện.
Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội được bổ sung và phát triển năm 2011, đã đưa ra quan điểm xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đó là phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối.
Các yếu tố thị trường được tạo lập đồng bộ. Các loại thị trường từng bước được xây dựng, cơ chế phát triển vừa tuân theo quy luật kinh tế thị trường, vừa đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Theo tham luận, để nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đi vào đời sống, vấn đề mấu chốt là phải hoàn thiện thể chế, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và chịu tác động sâu sắc, nhiều chiều đến mọi mặt của đời sống xã hội.
Chính vì vậy, Đại hội 11 đã xác định, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính. Đây là một trong ba khâu đột phá chiến lược về kinh tế.
Dự thảo văn kiện Đại hội 12 cũng đã nêu rõ tầm quan trọng của việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhấn mạnh việc thống nhất nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có giá trị bền vững lâu dài trong thời kỳ quá độ, cần có cụ thể hóa phù hợp với từng giai đoạn phát triển.
Theo tham luận của Đảng bộ Hà Nội, Hà Nội đã rất linh hoạt, chủ động trong việc vận dụng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Thủ đô. 30 năm qua, Đảng bộ Hà Nội ngày càng hoàn thiện nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vận dụng phù hợp với các quy luật của nền kinh tế thị trường, dựa trên những nguyên tắc, bản chất của chủ nghĩa xã hội. Phát triển kinh tế dựa trên những thiết chế, công cụ và nguyên tắc vận hành của kinh tế thị trường.
Hội nhập vẫn phải đảm bảo an toàn, an ninh. Hà Nội chú trọng phát triển đồng bộ các giải pháp, vững chắc phát triển thị trường, sớm hình thành các thị trường mới như thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, thị trường mua bán nợ, thị trường mua bán trí thức khoa học và công nghệ; đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chiều rộng phối hợp với chiều sâu.
Tuy nhiên, mô hình nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn là mô hình mới mẻ nên Hà Nội gặp không ít trở ngại: Nhận thức về cơ chế, chính sách còn nhiều rào cản; Phát triển còn manh mún, chưa thông suốt; Nhiều nguồn lực như tài nguyên, nhân lực… chưa được xử lý hiệu quả. Tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, sức cạnh tranh chưa cao.
Yêu cầu đặt ra là phải điều chỉnh thể chế, chính sách và pháp luật một cách tổng thể, toàn diện để phù hợp với các cam kết quốc tế, hội nhập, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thay mặt Đảng bộ Hà Nội, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất các vấn đề sau:
Cần sớm tìm ra đặc trưng, phổ biến của nền kinh tế thị trường, tham chiếu để điều hành nền kinh tế nước ta.
Tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, đề ra các công cụ điều tiết hiệu quả để nền kinh tế phát triển nhanh, đảm bảo nền kinh tế bền vững, hiệu quả.
Tiến hành rà soát và điều chỉnh các chính sách pháp luật có liên quan đến kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đảm bảo tính đồng bộ, không chồng chéo.
Hà Nội sẽ xin cơ chế, chính sách đặc thù trong tái cơ cấu kinh tế, đầu tư, đẩy mạnh phát triển giáo dục, khoa học công nghệ, trọng dụng nhân tài, thực hiện an sinh xã hội.