Đại gia ngành dược 'xả kho', tính đường dài
Cổ tức 180%
CTCP Dược phẩm Hà Tây - Hataphar (DHT) chốt ngày giao dịch không hưởng quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 180% (cứ 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 180 cổ phiếu phát hành thêm) vào 23/6.
Nguồn vốn để thực hiện việc chia cổ tức kể trên đến từ thặng dư cổ phần, vốn khác của chủ sở hữu và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo số liệu trên báo cáo tài chính công ty mẹ năm 2022.
Dược Hà Tây chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ “khủng” trong bối cảnh kết quả kinh doanh năm 2022 rất tích cực với doanh thu thuần đạt gần 1.840 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm trước. Lãi ròng gần 99 tỷ đồng, tăng 38,5%. Đây cũng là lợi nhuận lớn nhất của DHT, kể từ khi doanh nghiệp này niêm yết trên thị trường chứng khoán năm 2008.
Dược Hà Tây đặt mục tiêu doanh thu 1.600 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 80 tỷ đồng trong năm 2023, giảm so với năm 2022.
Năm 2019, Dược Hà Tây từng có doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng. Đây cũng là công ty dược phẩm (niêm yết) lớn thứ hai về doanh thu tại Việt Nam.
So với nhiều doanh nghiệp, mức trả cổ tức của DHT chưa phải quá cao và mới chỉ là trả cổ tức bằng cổ phiếu, chưa phải bằng tiền mặt lên tới 150-350% như Đầu tư Xây dựng Dầu khí Idico (ICN), hay CTCP Logistics Portserco (PRC)… Tuy nhiên, đây cũng là ước mơ của cổ đông nhiều doanh nghiệp.
Trên thực tế, cổ tức của các doanh nghiệp ngành dược phẩm thường rất cao. Tại Dược phẩm Trung ương 3 - Foripharm (DP3), tiền tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt năm 2022 có tỷ lệ 80%, tương ứng 1 cổ phiếu nhận được 8.000 đồng. Dược Liệu Việt Nam - Vietmec (DVM) cũng tính chia cổ tức và cổ phiếu thưởng lên đến 80% từ nguồn lợi nhuận để lại và thặng dư cổ phần.
Hút các nhà đầu tư ngoại
Nhóm cổ phiếu ngành dược được xem là "vịnh tránh bão" cho nhà đầu tư bởi tính phòng thủ và an toàn cho đầu tư dài hạn. Đây cũng là nhóm doanh nghiệp hút vốn nước ngoài rất mạnh.
Sức hấp dẫn của ngành dược được thể hiện rõ nét trong nhiều năm qua. Nhiều tập đoàn lớn nước ngoài, đến từ Mỹ, Nhật, Hàn… sẵn sàng chi khoản tiền lớn để mua gom, thậm chí chi đậm để ôm trọn cả doanh nghiệp, chi phối nhà sản xuất dược nội địa.
ASKA Pharmaceutical Co., Ltd của Nhật đã chi hàng trăm tỷ đồng và tới cuối năm 2021 đã sở hữu gần 25% vốn của Hataphar.
Hiện, phần lớn các doanh sản xuất dược hàng đầu của Việt Nam đều đã có cổ đông chiến lược nước ngoài như Dược Hậu Giang (DHG), Domesco (DMC), Traphaco (TRA), Imexpharm (IMP), Pymepharco (PME)… Một số đã tiến đến nắm quyền chi phối trên 51%, thậm chí thâu tóm toàn bộ.
Tại Domesco, ông lớn Abbott của Mỹ nắm gần 51,7%. Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chỉ còn nắm giữ hơn 34,7%. Trong khi đó, Taisho Pharmaceutical (Nhật Bản) nắm chi phối 51% cổ phần tại Dược Hậu Giang.
Vào năm 2020, khi đại dịch Covid bùng nổ, đại gia ngoại Stada Arzneimittel AG (Đức) đã ra tay thâu tóm, mua lại toàn bộ cổ phần Pymepharco và sau đó huỷ niêm yết cổ phiếu PME vào năm 2021.
PME là tiền thân là Công ty Dược và Vật tư y tế Phú Yên, thành lập cách đây hơn 30 năm. Đây cũng là một trong những nhà sản xuất dược phẩm hàng đầu Việt Nam và khu vực với hệ thống nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn EU-GMP. Doanh nghiệp dược này có quy mô vốn hóa lớn thứ 2 trên sàn chứng khoán sau Dược Hậu Giang (DHG).
Cuối 2017, khi PME lên sàn, hãng dược phẩm Đức Stada sở hữu 49% cổ phần, ông Trương Viết Vũ sở hữu 13,2%, có gần 700 tỷ đồng (gần 30 triệu USD). Ông là một trong những người siêu giàu tại Việt Nam.
Tại Imexpharm, nhà đầu tư SK Group (Hàn Quốc) đang nắm giữ xấp xỉ 48% cổ phần. Tính cả công ty liên quan, tỷ lệ sở hữu của cả nhóm cổ đông này lên đến trên 55%. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài nắm hơn 40% cổ phần tại Traphaco.
Các nhà đầu tư nước ngoài bỏ ra hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng đề thâu tóm các doanh nghiệp dược Việt. Như trường hợp Dược Hậu Giang, ước tính số tiền Taisho chi ra khoảng 7.000 tỷ đồng.
Với trường hợp Dược Hà Tây, các nhà đầu tư Nhật mới chỉ đầu tư vài trăm tỷ đồng và đang có kế hoạch thúc đẩy doanh nghiệp này. Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 180% sẽ giúp doanh nghiệp này mở rộng quy mô vốn.
DHT đang đầu tư nhà máy sản xuất dược phẩm công nghệ cao Hataphar tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) với diện tích 4,5ha. DHT dự báo doanh thu nhà máy mới có thể phát sinh từ năm 2024 sau khi giai đoạn 1 hoàn thành.
Ngành dược Việt Nam gần đây phát triển mạnh và có tiềm năng tăng trưởng cao trong trung và dài hạn. Nhiều báo cáo của các công ty chứng khoán cho thấy, tiềm năng ngành này khá tươi sáng nhờ quy mô dân số Việt Nam ở mức lớn và đang trong quá trình già hóa với tốc độ nhanh.
Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, nhu cầu đối với các sản phẩm y tế, chăm sóc sức khỏe lên cao. Quy mô thị trường này có thể tăng hơn gấp đôi lên 16 tỷ USD trong vòng 3 năm tới.
Mạnh Hà