Đại dịch Covid-19 bùng nổ, nhu cầu xây boongke ở Mỹ ra sao?
Đại diện của ngành công nghiệp nội thất chia sẻ với RIA về xu hướng trong thị trường hầm trú ẩn thời đại dịch Covid-19. Một minh chứng là hiện nay nhu cầu chưa từng có đối với mặt hàng đặc biệt này ngày càng tăng cao.
Các boongke đang được nhiều người đặt mua để trốn đại dịch Covid-19. Ảnh: RIA. |
Ông Clyde Scott, người sáng lập Rising S (Mỹ), công ty chuyên xây dựng hầm trú ẩn dưới lòng đất ở Texas, cho hay: “Chúng tôi thấy sự gia tăng đáng kể trong cả đơn đặt hàng và các câu hỏi về các sản phẩm của chúng tôi. Khi tình hình dịch bệnh ngày càng xấu đi, mọi người bắt đầu nghĩ về việc xây dựng nơi trú ẩn và đầu tư vào nó nhiều hơn”.
Theo công ty đang tham gia vào việc sản xuất boongke, loại boongke một phòng rẻ nhất được đăng tải trên trang web của họ có giá 39,5 nghìn USD. Với các tùy chọn như với phòng tắm hơi, phòng trồng cây, phòng bi-a, hồ bơi và nhà để xe có giá hơn 8 triệu USD.
Cũng theo ông Scott, sự gia tăng quan tâm hiện nay trong việc xây dựng các boongke và các cơ sở trú ẩn khác là chưa từng có. Chúng tôi không bao giờ thấy sự gia tăng doanh số bán hầm trú ẩn vì lý do y tế. Thông thường doanh số của chúng tôi phụ thuộc vào các hoạt động chính trị, quân sự có thể dẫn đến một vụ tấn công hạt nhân có thể nổ ra.
Năm 2017, giới nhà giàu Mỹ đã bỏ ra hàng triệu USD để mua hầm trú bom, do lo sợ xảy ra chiến tranh thế giới III, sau khi căng thẳng giữa Triều Tiên và Mỹ ngày càng tăng lên. Căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên lên đến đỉnh điểm, sau khi Bình Nhưỡng dọa sẽ bắn bốn tên lửa đạn đạo tầm trung về phía đảo Guam thuộc lãnh thổ Mỹ ở Thái Bình Dương.
Ông Scott cho biết, doanh thu mặt hàng này đã tăng lên 200% trong vài tuần, trong bối cảnh quan hệ giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đang suy giảm nghiêm trọng.
Trong khi đó, công ty sản xuất hầm trú ẩn Atlas Survival Shelters cũng chứng kiến sự tăng đột biến trong việc kinh doanh mặt hàng không hề rẻ này.
Ông Ron Hubbard chủ sở hữu công ty Atlas Survival Shelters ở Mỹ cho biết, giá thành sản phẩm của công ty ông cũng dao động từ vài chục nghìn đến vài triệu USD.
“Doanh số bán ra của công ty đã tăng so với trước đây, cuối cùng do lo ngại dịch bệnh Covid-19 mọi người đã đưa quyết định tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn”, ông Hubbard chia sẻ.
Nhu cầu gia tăng về nơi trú ẩn cũng được ghi nhận bởi ông David Davis, đại diện của văn phòng an toàn Hoa Kỳ.
Theo ông Davis, giờ đây người Mỹ hiểu rằng sự an toàn dù đối mặt với bão, thiên tai, hạt nhân hay đe dọa sinh học việc xây dựng một hầm trú ẩn là một biện pháp phòng ngừa cần thiết để đảm bảo an toàn cho gia đình.
Ngoài ra, theo ông Scott, việc xây dựng các boongke được đặt hàng bởi những người thuộc nhiều ngành nghề khác nhau và họ rất giàu có.
“Từ tầng lớp lao động đến những người nổi tiếng siêu giàu”, doanh nhân Scott mô tả nhóm khách hàng của mình. Đồng thời, ông Scott chia sẻ công ty làm việc theo khẩu hiệu: “Chúng tôi không bán nỗi sợ hãi, chúng tôi bán sự hài lòng”. “Sự hài lòng” này có thể tiêu tốn của khách hàng vài trăm nghìn USD, tùy thuộc vào quy mô, kích thước và mục đích của nơi trú ẩn.
“Nếu bạn đang ở trong một trong các boongke của chúng tôi và không tiếp xúc với bất kỳ ai, vậy rất đơn giản là bạn không thể bị nhiễm Covid-19, đấy là lời khuyên của tôi”, người sáng lập công ty Rising S cho biết khi được hỏi về hiệu quả của boongke khi chống lại đại dịch Covid-19.
Đồng thời, ông Scott khuyên không nên bỏ qua các khuyến nghị của bác sĩ về đảm bảo an toàn trong chống lại sự lây lan của virus corona như: rửa tay kỹ, duy trì khoảng cách khi tiếp xúc với những người xung quanh, không chạm vào mặt của bạn bằng tay cũng như mặt của người khác.
Tính trên toàn thế giới, Covid-19 xuất hiện ở 198 quốc gia/ vùng lãnh thổ, khiến hơn 467.000 người nhiễm bệnh, hơn 21.100 người thiệt mạng và hơn 113.800 ca bình phục.
Trong cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ) hôm 25/3, giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng thế giới đã chậm mất một tháng để hành động chống dịch Covid-19.
“Thời điểm để hành động thật ra đã là một, hai tháng trước… nhưng chúng ta tin rằng cơ hội vẫn còn đó. Đây là cơ hội thứ hai và chúng ta không nên lãng phí mà phải làm mọi cách để kiểm soát virus. Đây là trách nhiệm chung của tất cả chúng ta, đặc biệt giới lãnh đạo chính trị là chủ chốt”, ông Tedros nói.