'Đại chiến' truyền thông Nhật - Trung trong vụ Senkaku/Điếu Ngư (P.1)
Bài 1: Cuộc chiến bắt đầu
Mâu thuẫn giữa hai nước Trung Quốc - Nhật Bản đã bị đẩy lên cao khi ngày 11/9/2012, Nhật đã quyết định chi 2,05 tỷ yen (26,15 triệu USD) để quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo thuộc quần đảo Senkaku.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông (ảnh: Telegraph) |
Ngay sau khi có thông tin chính thức về việc này, Trung Quốc đã phản đối gay gắt. Họ cho rằng Nhật đã “vi phạm chủ quyền của Trung Quốc” ở Senkaku/Điếu Ngư và đe dọa trừng phạt kinh tế hoặc sử dụng vũ lực để trả đũa.
Không chỉ trên mặt trận ngoại giao, trong lòng xã hội Trung Quốc, đây cũng chính là thời điểm những phong trào biểu tình chống Nhật bùng phát dữ dội.
Trong cơn thịnh nộ, người Trung Quốc đã có những hành động đập phá, tấn công đối với tất cả mọi thứ có liên quan đến Nhật. Một bầu không khí “sục sôi căm hận Nhật” dâng lên ở Trung Quốc, gây nhiều tổn hại nặng nề đến tình hình kinh tế và an ninh của nước này.
Đi song hành cùng những diễn biến trên, suốt từ cuối năm 2012 cho đến nay, dư luận thế giới còn được chứng kiến cuộc chiến nảy lửa của hai quốc gia Trung – Nhật trên mặt trận truyền thông.
Trung Quốc "làm căng"
Cuộc chiến đầu tiên giữa hai quốc gia là cuộc chiến thông tin trên những trang báo quốc nội. Báo chí Trung Quốc liên tục đưa tin cập nhật về “vụ vi phạm nghiêm trọng và gây hấn của Nhật”, những lời phát biểu đanh thép của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc và chạy nhiều bài xã luận dài.
Thông điệp “khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư”, những đe dọa sẽ “dạy cho Nhật Bản” một bài học được các tướng tá diều hâu Trung Quốc lần lượt phát biểu trên thời báo Hoàn Cầu, Tân Hoa xã và Đài Truyền hình Quốc gia Trung Quốc CCTV.
Ngoài ra, báo Trung Quốc còn phát hành các game gây tranh cãi như “chiếm lại Điếu Ngư” để thu hút sự quan tâm của giới trẻ với vấn đề này. Đồng thời, rất nhiều sản phẩm “dị thường” khác như pháo hoa “nổ tung Tokyo”, các món “lẩu Senkaku”, “cá tươi từ Senkaku”… chính là đứa “con đẻ” tinh thần của truyền thông chống Nhật ở Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe với lập trường cứng rắn về Senkaku đã trở thành đối tượng bị chỉ trích hàng đầu trên báo Trung Quốc |
Thậm chí, cả quan chức và truyền thông chính thông Trung Quốc, mà điển hình là tướng diều hâu La Viện và tờ Thời báo Hoàn Cầu, còn có những lời nói tấn công cá nhân thô thiển và khiếm nhã đối với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, cách nói ví von "Abe bị hưng phấn sinh lý ở Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc sẽ biến âm mưu thành dương mưu"...
Không chỉ có các cỗ máy truyền thông tuyên truyền trong nước phải làm việc hết công suất, Bắc Kinh còn biết lợi dụng “tiền và quyền” để mở rộng phạm vi chiến lược “tuyên truyền chủ quyền Điếu Ngư” ra khỏi biên giới Trung Quốc, sang tận bên kia Thái Bình Dương.
Ngày 29/9/2012, cơ quan chủ quản Nhật báo Trung Quốc đã chi đến 250.000 USD để mua quảng cáo trên 2 trang giữa của tờ New York Times. Nội dung của hai trang báo này chính là tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư cùng những lời tố cáo đanh thép dành cho Nhật.
Tờ Washington Post số ra cùng ngày cũng chạy một quảng cáo với nội dung tương tự.
Quảng cáo "Điếu Ngư của Trung Quốc" trên New York Times |
Ngoài Mỹ, Trung Quốc đã biết sử dụng “quyền lực mềm” của mình đối với các nước “có tình hữu hảo” với Bắc Kinh như các quốc gia khu vực châu Phi, Trung Đông để hướng truyền thông các nước đó đưa tin có lợi cho Trung Quốc.
Ngày 2/10/2012, nhật báo Pakistan, Daily Times đã dành hẳn 2 trang để đăng bài bênh vực Trung Quốc. Tờ nhật báo này chạy chạy dòng tít "Nhật Bản đã ăn cướp Điếu Ngư từ tay Trung Quốc", trong đó nhấn mạnh rằng "vụ bàn giao bí mật" các đảo ở biển Hoa Đông giữa Mỹ và Nhật Bản năm 1972 là bất hợp pháp, và các đảo trên chưa bao giờ nằm ngoài sự sở hữu của Trung Quốc.
Nhật Bản phản công "không khoan nhượng"
Trong khi đó, Tokyo theo đuổi chính sách có vẻ ôn hòa nhưng lại quyết liệt hơn. Báo chí Nhật không đăng những lời dọa dẫm “đao to búa lớn” nhưng thường xuyên trích dẫn những phát biểu rõ ràng, ngắn gọn và cứng rắn của quan chức nhà nước Nhật Bản, đặc biệt là cựu Thủ tướng Yoshihiko Noda và người kế nhiệm Shinzo Abe. Giới chức Nhật luôn “nói ít, làm nhiều” và khẳng định một điều ngắn gọn: “Nhật sẽ không lùi bước, không nhân nhượng ở Senkaku”.
Japan Times, Kyodo News, Asahi, Yomiuri, Mainichi, Senkei… và những hãng truyền hình của Nhật thường xuyên vạch mặt những bài xã luận hiếu chiến trên báo chí Trung Quốc, không chỉ bằng lời lẽ, mà bằng những chứng cứ xác minh rõ ràng như ảnh tài liệu, ảnh vệ tinh, video… cụ thể.
Chính phủ và báo chí Nhật đã đưa bằng chứng cho thấy sự hung hăng của tàu Hải giám vào ngày 26/3/2013, việc Trung Quốc ngắm bắn, khóa mục tiêu tàu hộ vệ và máy bay của Nhật (tháng 1/2013) cũng như các hoạt động giám sát, truy đuổi tàu Hải giám Trung Quốc và bảo vệ Senkaku của Cảnh sát biển Nhật Bản. Từ đây, báo chí Nhật đã góp công lớn trong việc an lòng dân ở Nhật.
Đồng thời, các văn kiện có liên quan đến chủ quyền của Nhật cũng được các tờ báo phát hành rộng rãi, trong đó có cả một tấm hình chụp bài báo Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) đăng ngày 8/1/1953, trong đó công nhận chủ quyền của Nhật đối với quần đảo Senkaku.
Bài báo của Nhân dân Nhật báo công nhận chủ quyền của Nhật đối với Senkaku được đăng trên website Bộ Ngoại giao Nhật Bản |
Các website của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Nhật cũng dành ra một góc riêng để cung cấp thông tin về Senkaku và biển Hoa Đông, cả bằng tiếng Nhật, tiếng Anh và tiếng nước sở tại để thuận lợi cho độc giả thế giới quan tâm đến tranh chấp Nhật-Trung.
Khi sự việc xảy ra ở biển Hoa Đông, Nhật Bản và Trung Quốc đã lựa chọn cho mình những con đường khác nhau để giải quyết vấn đề ở Senkaku cũng như cách làm truyền thông để phát huy sức mạnh trong nước và tìm kiếm sự ủng hộ của dư luận thế giới. Đây là những bước đi cần thiết và khôn ngoan, phù hợp với xu thế chung của thời đại mà cả hai bên đã nhận thức và áp dụng rất triệt để.
(Còn nữa)