Đại biểu HĐND tỉnh Hà Tĩnh hiến kế mở đường riêng cho... trâu bò
Ông Lương Phan Kỳ, Giám đốc Sở GTVT trả lời chất vấn tại cuộc họp HĐND tỉnh Hà Tĩnh |
Sáng nay 12/12, Kỳ họp thứ 5 - HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII bước vào ngày làm việc thứ 2 với việc tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình KT-XH, các tờ trình nghị quyết và bắt đầu phiên chất vấn, trả lời chất vấn.
Theo đó, 5 nhóm vấn đề sẽ được chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này thuộc các lĩnh vực: giao thông, quản lý đô thị; công thương; cải cách hành chính và quản lí cán bộ, công chức, viên chức; y tế, bảo hiểm y tế; công tác tiếp công dân và giải quyết các vụ việc tồn đọng.
Là người đầu tiên đăng đàn trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu tại cuộc họp, ông Lương Phan Kỳ, Giám đốc Sở GTVT đã nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu về các vấn đề như: Nhiều tuyến đường giao thông cấp tỉnh đến huyện xuống cấp trầm trọng nhưng không được sửa chữa, bảo trì kịp thời; nạn trâu bò thả rông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, gây tai nạn chết người.
Toàn cảnh buổi họp sáng nay, vấn nạn trâu bò thả rông trên đường đã làm nóng nghị trường. “Dù đã có chỉ thị của tỉnh về việc quản lý, nghiêm cấm nạn chăn, dắt, thả rông gia súc trên đường nhưng dường như ở các cơ sở vẫn chưa thực hiện nghiêm, chế tài xử phạt còn nhẹ” – đại biểu Nguyễn Huy Hùng nói.
Phiên chất vấn sáng 12/12 của Kỳ họp thứ 5 - HĐND tỉnh khóa XVII tỉnh Hà Tĩnh. |
Về vấn đề trên, ông Lương Phan Kỳ cho rằng, muốn xử nghiêm cần phải có chế tài xử phạt nặng, gắn trách nhiệm lên các chủ tịch huyện, xã. Cụ thể, ngành đã làm việc trực tiếp tại thôn, xã, huyện nơi có nạn trâu bò thả rông, có văn bản cam kết yêu cầu người đứng đầu thực hiện nghiêm, quản lý chặt không cho người dân chăn, dắt trâu bò trên đường.
Tại các cơ sở cũng đã làm chuồng trại, bắt nhốt hàng trăm con trâu bò thả rông trên đường, xử phạt hành chính đối với người dân không chấp hành. Tuy nhiên, một thực trạng khi mà dân cư vẫn đang sinh sống dọc hai bên đường quốc lộ thì việc ngăn chặn trâu, bò không đi qua đường là điều rất khó.
Ông Kỳ cũng cho rằng quy định mức xử phạt 200 ngàn đồng/trường hợp là thấp, chỉ cốt răn đe, nhắc nhở. Trong xử lý trâu bò thả rông, quan trọng nhất là ý thức của người dân. Về công tác quản lý, bên cạnh trách nhiệm của ngành thì quyết định vẫn là chính quyền địa phương, cơ sở. Vì vậy, phải gắn trách nhiệm người đứng đầu chính quyền cấp huyện, xã và thôn trước thực trạng này.
Ông Kỳ kiến nghị, để nghiêm chỉnh thực hiện chỉ đạo của tỉnh về nghiêm cấm tình trạng thả rông trâu bò trên đường, thì nên đưa nội dung này vào tiêu chí đánh giá, xếp loại trong công tác đảm bảo trật tự ATGT đối với địa phương vào cuối năm. Đồng thời yêu cầu đơn vị công an phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường nhiều đợt cao điểm kiểm tra, xử lý nạn thả rông trâu bò.
Đặc biệt, đại biểu Lê Ngọc Huấn - Chủ tịch UBND huyện Hương Khê chất vấn: Hiện Sở GTVT đã vạch đường nào là đường tránh cho trâu bò đi chưa? Thời gian tới Sở GTVT có phương án xử lý vấn đề này như thế nào?.
Đại biểu Huấn cũng hiến kế: "Nhiều vụ tai nạn tôi thấy có người chăn dắt trâu bò trên đường nhưng do không có tuyến đường giao cắt dành cho bò đi qua. Do vậy, một số địa phương cần có cầu vượt hoặc cống ngầm trên các tuyến đường lớn cho bò đi qua".
Đại biểu Kỳ đánh giá câu hỏi làm đường dành riêng cho trâu bò mà đại biểu Huấn nêu lên là ý hay nhưng hiện nay kinh phí còn hạn hẹp nên chưa thể thực hiện được.
Ngoài ra, vấn đề tuyến đường giao thông xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được tu sửa, bảo dưỡng cũng được hâm nóng tại nghị trường. Ông Kỳ cho rằng, do đường đi lâu ngày, thiên tai, bão lũ, công tác quản lý chất lượng đường ở các đơn vị liên quan chưa chặt. Khi muốn tu sửa, bảo dưỡng thì gặp khó khăn về nguồn vốn, có thể vướng ở các thủ tục nên nguồn về chậm, đơn cử là năm 2017.
Mặt khác tỉnh Hà Tĩnh là địa phương duy nhất cả nước thực hiện ủy thác quản lý quỹ bảo trì đường bộ cho quỹ đầu tư phát triển tỉnh. Công tác phối hợp giữa các cơ quan tham mưu của Hội đồng quỹ với chính quyền các cấp có lúc, có khi chưa thật nhịp nhàng. Cùng với đó là việc cán bộ quản lý của quỹ đầu tư tỉnh không có chuyên môn về lĩnh vực giao thông nên trong phối hợp, xử lý công việc còn bất cập, gây khó khăn cho ngành giao thông.
Ông Kỳ đưa ra các con số về nguồn vốn bảo trì đường bộ, được phân bổ theo năm: Đối với đường tỉnh năm 2014: 56,08 tỷ đồng; 2015: 35,76 tỷ đồng; 2016: 26,06 tỷ đồng; 2017: 5,43 tỷ đồng. Đối với đường giao thông nông thôn: năm 2014: 51,185 tỷ đồng; 2015: 42,86 tỷ đồng; 2016: 61.42 tỷ đồng; 2017: 10,48 tỷ đồng.