Đại án ngân hàng Xây Dựng: Nhiều đại gia tiếng tăm được triệu tập đến tòa
![]() |
Khung cảnh một phần phiên tòa trong ngày 19/7 |
Dành cả buổi để thẩm tra lý lịch
Ngày 19/7 TAND TP.HCM đã đưa ra xét xử vụ án làm thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại ngân hàng Xây dựng (VNCB) với chủ mưu là bị cáo Phạm Công Danh. Cùng ra tòa trong vụ án này còn có 35 bị cáo khác nguyên là lãnh đạo của VNBC và các công ty sân sau do bị cáo Danh lập ra.
Theo công bố của thư ký tòa, sẽ có 45 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo trong vụ án, trong khi đó số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng lên tới 156 người. Tuy nhiên trong buổi khai mạc chỉ có 98 người tới phiên tòa theo giấy triệu tập.
Trong số này có những người khá “nổi tiếng” trên truyền thông như ông Trần Quý Thanh, bà Trần Ngọc Bích (tập đoàn Tân Hiệp Phát) hay bà Nguyễn Thị Như Loan, ông Nguyễn Quốc Cường, bà Nguyễn Ngọc Huyền My (tập đoàn Quốc Cường Gia Lai). Tuy nhiên theo quan sát của phóng viên thì tới tòa án ngày 19/7 chỉ có bà Ngọc Bích, còn lại đều ủy quyền cho người khác tham dự.
Đặc biệt, tại phiên tòa còn có mặt bà Hứa Thị Phấn – người từng nắm giữ 85% cổ phần của ngân hàng Trust Bank (Đại Tín), tiền thân của VNCB.
Ngoài các cá nhân nói trên HĐXX cũng triệu tập hàng loạt các cổ chức, ngân hàng có liên quan đến vụ án như: Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Kiên Long, Ngân hàng TMCP Quốc tế, Ngân hàng Agribank, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam…
Chính vì số lượng người tham gia quá đông nên tòa án đã phải trưng dụng tới 3 phòng cho việc xét xử. Ngoài phòng 1 dành cho các bị cáo và luật sư thì hai phòng còn lại được kê các hàng ghế dài để những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan theo dõi qua màn hình.
Đây cũng có lẽ là một trong số rất ít phiên tòa mà riêng phần thẩm tra lý lịch (những thông tin cơ bản về nhân thân, gia đình) của các bị cáo cùng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chiếm gần trọn buổi làm việc đầu tiên.
![]() |
Bị cáo Phạm Công Danh |
Bị cáo sức khỏe kém, trí nhớ giảm sút
Trả lời những câu hỏi của HĐXX tại phiên tòa, bị cáo Danh cho biết sức khỏe kém và trí nhớ bị giảm sút, thậm chí ngay cả năm sinh của hai con bị cáo cũng không nhớ. Tuy nhiên bị cáo vẫn nhớ rằng trước đây đã từng bị TAND Tối cao tại Đà Nẵng tuyên phạt 6 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
“Nhưng theo quy định pháp luật thì bản án này đã được xáo” – bị cáo Danh cho hay.
Trước những thông tin này, HĐXX cho biết đã chuẩn bị sẵn xe cứu thương và các bác sĩ túc trực sẵn phía ngoài để chăm sóc sức khỏe cho các bị cáo. Sau đó trong một số tình huống liên quan, bị cáo đã được cho ngồi thay vì phải đứng như những bị cáo khác.
Bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Danh tại phiên tòa này có bốn người, là các luật sư Phan Trung Hoài, Nguyễn Văn Trung, luật sư Hải, và Bùi Thị Hồng Danh.
Tại phiên tòa, luật sư Hoài đã đề nghị HĐXX triệu tập tất cả những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để đảm bảo không ảnh hưởng đến việc xét xử. Ông cũng đề nghị cho “giải mật” tất cả những kết luận và hồ sơ liên quan đến vấn đề định giá tài sản, vì cho rằng hồ sơ tố tụng thì không thể đóng dấu mật.
Ngoài ra một số luật sư còn đề nghị hoãn phiên tòa, trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung một số tình tiết mà theo họ vẫn chưa được làm rõ.
Tuy nhiên đại diện VKS cho rằng việc tách các vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” của Phạm Công Danh và các đồng phạm, hay tách vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” của 4 bị can nguyên là thành viên Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước đặt tại VNCB không ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo Danh.
Chính vì vậy VKS đề nghị HĐXX không chấp nhận đề nghị trả hồ sơ của một số luật sư.
Sáng nay phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi…