Đà Nẵng: Vinalines đăng ký tham gia đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu
Ngày 7/10, Công ty CP Cảng Đà Nẵng cho hay, ông Dương Hoàng Anh, Phó Chánh Văn phòng Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa có Thông báo số 2589/TB-HHVN kết luận của Tổng Giám đốc Vinalines về các vấn đề liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng khu bến Liên Chiểu – Cảng biển Đà Nẵng.
Phó tổng giám đốc Vinalines Lê Quang Trung được Tổng giám đốc giao chỉ đạo ban Thị trường – Kế hoạch tiếp xúc, cập nhật dự án, làm việc với các hãng tàu nước ngoài, các nhà đầu tư để tìm cơ hội hợp tác liên doanh cùng tham gia phát triển Dự án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu (Ảnh: HC) |
Theo đó, Quyền Tổng Giám đốc Vinalines Nguyễn Cảnh Tĩnh vừa có cuộc họp với người đại diện phần vốn của Vinalines tại Công ty CP Cảng Đà Nẵng, Phó tổng giám đốc Vinalines Phạm Anh Tuấn, đại diện các Ban Đầu tư, Quản lý cảng biển và dịch vụ hàng hải của Vinalines, Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình hàng hải (CMB) để bàn về các vấn đề liên quan đến dự án đầu tư xây dựng khu bến Liên Chiểu – Cảng biển Đà Nẵng.
Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu dự họp, Tổng giám đốc Vinalines kết luận, nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu là chủ trương của Nhà nước nhằm xây dựng khu bến Liên Chiểu đảm nhận vài trò khu bến chính của cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực miền Trung, tiếp nhận tàu trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 TEU đến 8.000 TEU.
Bên cạnh đó, việc xúc tiến đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu cũng đã được Thủ tướng Chính phủ xác định là mục tiêu quan trọng dần thay thế cảng Tiên Sa đã được quy hoạch phát triển thành cảng du lịch trong tương lai, đáp ứng yêu cầu hạ tầng giao thông kết nối đi qua nội đô vốn gây ùn tắc giao thông, không đảm bảo an toàn giao thông đô thị.
Xuất phát từ định hướng trên, căn cứ Quyết định 276/QĐ-TTg ngày 27/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển và kế hoạch sản xuất kinh doanh 05 năm giai đoạn 2016 – 2020 của Vinalines; Quyết định 751/QĐ-TTg ngày 20/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Vinalines, Tổng Giám đốc Vinalines đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng khu bến Liên Chiểu – Cảng biển Đà Nẵng.
Theo đó, Tổng Giám đốc Vinalines chỉ đạo thành lập tổ công tác hỗ trợ đầu tư đối với Dự án đầu tư xây dựng khu bến Liên Chiểu – cảng biển Đà Nẵng và Dự án đầu tư xây dựng bến sà lan Liên Chiểu (Infonet đã đưa tin) do Phó tổng giám đốc Vinalines Phạm Anh Tuấn làm Tổ trưởng, gồm các Ban của Vinalines như Đầu tư, Tài chính – Kế toán, Quản lý cảng biển và dịch vụ hàng hải, Cảng Đà Nẵng và CMB.
Nhiệm vụ chính của Tổ là phối hợp với Cảng Đà Nẵng chỉ đạo các bộ phận tham mưu của Cảng rà soát quy hoạch để xây dựng phương án đầu tư đồng bộ, đánh giá sự cần thiết đầu tư, cân đối nguồn vốn, tính toán hiệu quả đầu tư, báo cáo Vinalines trước ngày 10/10.
Hỗ trợ Cảng Đà Nẵng lập hồ sơ đề xuất, xin phê duyệt chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng khu bến Liên Chiểu – Cảng biển Đà Nẵng và Dự án đầu tư xây dựng bến sà lan Liên Chiểu. Đồng thời theo dõi, thường xuyên báo cáo Vinalines tình hình, tiến độ thực hiện hai dự án này.
Trong khi đó, người đại diện phần vốn của Vinalines tại Công ty CP Cảng Đà Nẵng được Tổng giám đốc Vinalines giao nhiệm vụ chủ động làm việc và đề xuất với UBND TP Đà Nẵng các giải pháp giảm ách tắc giao thông qua khu vực trung tâm TP từ cảng Tiên Sa trên tuyến đường Yết Kiêu – Ngô Quyền nhằm hạn chế ảnh hưởng đến việc trung chuyển hàng hóa của cảng Tiên Sa.
Trong khi đó, Phó tổng giám đốc Vinalines Lê Quang Trung được Tổng giám đốc giao chỉ đạo ban Thị trường – Kế hoạch tiếp xúc, cập nhật dự án, làm việc với các hãng tàu nước ngoài, các nhà đầu tư để tìm cơ hội hợp tác liên doanh cùng tham gia phát triển Dự án đầu tư xây dựng khu bến Liên Chiểu – Cảng biển Đà Nẵng và Dự án đầu tư xây dựng bến sà lan Liên Chiểu.
Trao đổi với PV Infonet chiều 7/10, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng cho hay, Dự án xây dựng khu bến Liên Chiểu – Cảng biển Đà Nẵng có quy mô 220 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến 32.860 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến năm 2022) có tổng mức đầu tư hơn 7.370 tỷ đồng.
Trong đó, hợp phần A là cơ sở hạ tầng dùng chung cho 02 bến có tổng mức đầu tư 3.426,3 tỷ đồng từ nguồn vốn nhà nước, gồm các hạng mục như kè chắn sóng, đê chắn sóng, luồng tàu, giao thông kết nối cảng, hạ tầng kỹ thuật kết nối (điện, nước, thông tin liên lạc)… để bến cảng hoạt động, có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU; đảm bảo lượng hàng thông qua từ 3,5-5,0 triệu tấn/năm.
Hợp phần B là các hạng mục công trình còn lại phục vụ khai thác bến cảng như bến cập tàu, kè gầm bến, đường bãi trong cảng, kho, nhà xưởng, mạng kỹ thuật và thiết bị khai thác trên bến… được đầu tư theo hình thức kêu gọi doanh nghiệp đầu tư với quy mô phù hợp quy hoạch và tương ứng theo từng giai đoạn phát triển.
“Vinalines là một trong 3-4 nhà đầu tư lớn hiện đã đăng ký tham gia hợp phần B cảng Liên Chiểu và cách đây vài hôm, lãnh đạo Vinalines đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng về vấn đề này. Trước mắt, Vinalines sẽ đầu tư xây dựng bến sà lan Liên Chiểu để trung chuyển hàng từ cảng Tiên Sa nhằm giảm tải cho trục đường Yết Kiêu – Ngô Quyền – Ngũ Hành Sơn!” – Ông Lê Văn Trung cho hay.