Đà Nẵng: Thẩm định các dự án trong ranh giới đất quốc phòng, khu vực phòng thủ
Ngày 11/1, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho hay, Chủ tịch UBND TP vừa ban hành quy chế phối hợp thẩm định các dự án phát triển đô thị trên địa bàn, áp dụng đối với các dự án nằm trong ranh giới đất quốc phòng, khu vực phòng thủ; các dự án trong khu vực có công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; các dự án nằm trong hành lang bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; và các dự án có khả năng ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Quân đội, công an và các ngành chức năng của TP Đà Nẵng sẽ phối hợp thẩm định các dự án phát triển đô thị nằm trong ranh giới đất quốc phòng, khu vực phòng thủ (Ảnh: HC) |
Theo đó, sẽ thành lập Tổ công tác do Sở Xây dựng chủ trì thực hiện việc thẩm định, bao gồm các thành viên thuộc các sở, ban, ngành có liên quan, Bộ chỉ huy Quân sự, Công an, các cơ quan, đơn vị quốc phòng có liên quan trên địa bàn TP và UBND các quận huyện.
Tổ công tác có trách nhiệm nghiên cứu, tổng hợp các ý kiến tham gia về kết hợp KT-XH với quốc phòng, an ninh trong khu vực phòng thủ, khu vực có công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, khu vực hành lang bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, báo cáo UBND TP xem xét, quyết định.
Đồng thời, Tổ công tác cũng chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng có văn bản kiến nghị với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định những vấn đề quan trọng vượt thẩm quyền của TP.
Theo quyết định của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nội dung phối hợp thẩm định bao gồm thẩm định tính chất dự án đầu tư, thành phần nhà đầu tư, năng lực đầu tư; kiểm tra những tác động của dự án đến vấn đề an ninh, quốc phòng; kiểm tra thực địa; lấy ý kiến các cơ quan có liên quan; và tổ chức họp phản biện (nếu cần thiết).
Sân bay Nước Mặn giờ chỉ còn là bãi tập lái xe ô tô và đã được quy hoạch thành sân bay phục vụ du lịch (Ảnh: HC) |
Trước đó, tại cuộc họp báo cuối năm 2015 (Infonet đã đưa tin), trước những dư luận về việc xây dựng các công trình cao tầng ở khu vực chung quanh có nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng phòng thủ và tấn công của sân bay Nước Mặn, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho hay, các ban ngành chức năng rà soát lại theo hướng quy hoạch sân bay này thành sân bay trực thăng phục vụ du lịch và dân sinh.
Theo ông Huỳnh Đức Thơ, việc một số dư luận cho rằng sân bay Nước Mặn có vị trí chiến lược là do dựa vào việc nơi đây từng là sân bay quân sự trong thời kỳ chiến tranh. Tuy nhiên khi Đà Nẵng quy hoạch lại toàn bộ khu vực bán đảo Sơn Trà để ưu tiên phát triển du lịch thì sân bay này đã được chuyển đổi công năng, chỉ hoạt động phục vụ du lịch. Do lẽ đó, xung quanh sân bay này mọc lên các dự án du lịch, khu nghỉ dưỡng... và đều nằm trong quy hoạch chứ không có chuyện buông lỏng kiểm soát.
Trước đây, TP Đà Nẵng có chủ trương quy hoạch xây dựng tại khu vực này các công trình cao tầng, bố trí khu dân cư. Tuy nhiên với định hướng dài lâu sân bay Nước Mặn phục vụ du lịch nên các ngành chức năng đang rà soát, chuyển đổi quy hoạch tại đây là xây dựng biệt thự liền kề, nhà thấp tầng để không ảnh hưởng đến hoạt động của trực thăng du lịch.
Theo ông Huỳnh Đức Thơ, TP Đà Nẵng đang ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư tại khu vực này, không phân biệt đối xử. Riêng với khách sạn Marriott 18 tầng (cao khoảng hơn 50m) được coi là “phế bỏ” chức năng phòng thủ và tấn công của sân bay Nước Mặn, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết, khách sạn này chỉ được xây dựng theo độ cao khống chế. Cục tác chiến, Sư đoàn 375, Quân chủng Phòng không - Không quân và các cơ quan chức năng đã thẩm định dự án trước khi được cấp phép.