Đà Nẵng sẽ thi tuyển giám đốc Sở như thế nào?
Đà Nẵng sẽ thi tuyển giám đốc Sở như thế nào?
Đây là kết quả sau 6 năm triển khai thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các đơn vị sự nghiệp, chủ yếu là ngành giáo dục.
Đà Nẵng từng có 6 năm triển khai thành công việc thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là ngành giáo dục - Ảnh: HC |
Theo đó, đối với cơ quan hành chính, các vị trí thi tuyển gồm: Giám đốc sở, phó giám đốc sở và tương đương; chi cục trưởng, phó chi cục trưởng và tương đương; trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương thuộc sở, ban, ngành và UBND quận, huyện; trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương trong các cơ quan, đơn vị thuộc sở, ban, ngành và thuộc UBND quận, huyện.
Đối với đơn vị sự nghiệp, các vị trí thi tuyển gồm: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và tương đương các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố; trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương trong các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố và thuộc các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện.
Mỗi chức danh thi tuyển phải có ít nhất có 3 ứng viên đăng ký. Trường hợp chỉ có 2 ứng viên đăng ký thi tuyển thì phải là người đang công tác cùng một cơ quan, đơn vị tổ chức thi tuyển. Ưu tiên cho người trong diện quy hoạch cán bộ đăng ký dự thi, trong đó người dưới 40 tuổi và trong diện quy hoạch cán bộ phải đăng ký thi tuyển.
Nội dung và hình thức thi tuyển gồm 3 phần: a/ Thi viết các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, bộ máy, các lĩnh vực hoạt động của cơ quan, đơn vị tổ chức thi tuyển lãnh đạo; nội dung liên quan đến chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của vị trí chức danh lãnh đạo, quản lý tổ chức thi tuyển. b/ Bảo vệ đề án: Đánh giá thực trạng, nguyên nhân kết quả đạt được và những hạn chế, thuận lợi, khó khăn của đơn vị tổ chức thi tuyển trong 3 năm qua; kế hoạch, giải pháp phát triển cho đơn vị mà đề án hướng tới; dự báo khả năng phát triển của đơn vị. c/ Trình bày kỹ năng giao tiếp, ứng xử, thể hiện phong cách lãnh đạo, quản lý và trả lời chất vấn của Hội đồng thi tuyển.
Người trúng tuyển là người đạt điểm sàn từng phần thi và có tổng điểm thi cao nhất. Nếu có 2 ứng viên cùng đạt điểm cao nhất thì ưu tiên cho ứng viên nữ, trường hợp khác phải qua câu hỏi phụ để chọn người trúng tuyển. Nếu có hơn 3 người dự thi vào một chức danh thì người có điểm số xếp thứ hai được bảo lưu kết quả 1 năm và được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý khi đơn vị tổ chức thi tuyển có nhu cầu.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Đặng Công Ngữ, điểm mới rất đáng chú ý của chủ trương này là mở rộng cả đối tượng lẫn số lượng chức danh dự thi. Trước hết là mở rộng thi tuyển cán bộ lãnh đạo từ đơn vị sự nghiệp đến cơ quan hành chính. Nếu trong thời gian thí điểm trước đây chỉ thi tuyển cấp phó thì nay thi tuyển cả cấp trưởng, chức danh cao nhất là giám đốc sở và tương đương.
Đặc biệt, đối tượng dự thi (công dân Việt Nam) được mở rất rộng. Không chỉ cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức trong hệ thống chính trị của Đà Nẵng mà còn mở rộng ra các cơ quan, đơn vị tương tự không thuộc TP, kể cả người công tác trong các tổ chức không thuộc cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.
Ông Đặng Công Ngữ khẳng định, chủ trương thi tuyển cán bộ lãnh đạo của Đà Nẵng đề cao nguyên tắc công khai, công bằng, cạnh tranh và bình đẳng; kết hợp hài hòa giữa bổ nhiệm truyền thống và bổ nhiệm qua thi tuyển. TP khuyến khích việc bổ nhiệm thông qua việc trình bày đề án trước một hội đồng. Theo tiêu chí, để được dự thi tuyển, ứng viên dù ở ngoài các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước thì cũng phải là những người “sáng giá”, có triển vọng ngay tại cơ quan, tổ chức nơi họ đang công tác.
Theo Quyết định 6221/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, việc thi tuyển các chức danh lãnh đạo nêu trên sẽ được triển khai kể từ tháng 8/2012.
HẢI CHÂU