Đà Nẵng: Nhiều nhà đầu tư đang cố tình trì hoãn om “đất vàng”
Sáng 6/12, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX khai mạc kỳ họp thứ 3 nhằm đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2016 và đề ra các nhiệm vụ trọng tâm năm 2017; đánh giá kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị, bức xúc của cử tri tại kỳ họp thứ 2 và việc giải quyết đơn thư của công dân; đồng thời cho ý kiến về các nội dung quan trọng khác như kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020; Đề án đặt, đổi tên đường; việc quy hoạch ngành và một số lĩnh vực kinh doanh trên địa bàn TP...
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng Đặng Thị Kim Liên, có dấu hiệu cho thấy nhiều nhà đầu tư cố tình trì hoãn việc triển khai dự án tại các vị trí "vàng" như trung tâm TP và ven biển (Ảnh: HC) |
Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp, bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng cho hay, qua các buổi tiếp xúc cử tri và phản ánh, kiến nghị của các tổ chức thành viên, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng đã tổng hợp được 58 ý kiến. Tại kỳ họp này, cử tri và nhân dân đề nghị các đại biểu HĐND TP Đà Nẵng tập trung thảo luận, đề ra giải pháp hiệu quả để giải quyết một số vấn đề cơ bản, trong đó nổi lên việc xử lý thu hồi các khu đất trống.
Theo bà Đặng Thị Kim Liên, cử tri Đà Nẵng tiếp tục phản ánh nhiều khu đất trống – đã xác định hay chưa xác định được chủ sở hữu – nằm tại các vị trí “vàng” như khu vực trung tâm TP và ven biển nhưng không được khai thác, sử dụng đang làm mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường, trở thành “ổ muỗi” làm phát sinh dịch bệnh sốt xuất huyết đe dọa sức khỏe người dân.
“Vấn đề này từng được đề cập từ kỳ họp thứ 7 HĐND TP khóa VIII năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Cử tri phản ảnh có dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đã và đang cố tình trì hoãn bằng cách xin thay đổi mục đích đầu tư, xin điều chỉnh quy hoạch!” – bà Đặng Thị Kim Liên nhấn mạnh.
Theo bà Đặng Thị Kim Liên, cử tri Đà Nẵng đề nghị HĐND, UBND TP chỉ đạo Sở TN-MT, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP tiến hành rà soát, lên danh mục toàn bộ các khu đất trống chậm hoặc không thể triển khai dự án, trực tiếp làm việc với các chủ đầu tư để xác định rõ lộ trình, thời gian thu hồi các khu đất này theo quy định của Luật Đất đai 2013, đồng thời công bố rộng rãi để nhân dân biết và giám sát.
Bà Phan Thị Thúy Linh, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng cũng cho biết, một trong những bất cập lớn đối với công nghiệp TP là thiếu mặt bằng sản xuất. Hiện hạ tầng (giai đoạn 1) Khu công nghệ cao vẫn chưa hoàn thiện, Khu CNTT còn dở dang. Nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp vẫn còn xen lẫn trong khu dân cư làm ô nhiễm môi trường, gây bức xúc cho người dân.
Trong khi đó, diện tích tại các KCN có thể bố trí cho các doanh nghiệp thuê còn không nhiều và manh mún; tỷ lệ lấp đầy tại các KCN khá cao song tình trạng "chiếm chỗ" vẫn còn khá phổ biến, trong khi doanh nghiệp mới không còn diện tích. Do vậy, cần kiên quyết thu hồi các dự án không triển khai hoặc sử dụng đất không đúng mục đích trong các KCN để bố trí cho các nhà đầu tư có năng lực.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn, nhằm quản lý và tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư triển khai dự án theo đăng ký, tại Công văn 8428/UBND-KT2 ngày 14/10, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã giao Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan rà soát, tổng hợp toàn bộ các dự án chậm triển khai so với tiến độ thực hiện dự án, các dự án đề xuất giãn tiến độ và đề xuất hướng xử lý đảm bảo theo quy định của pháp luật, báo cáo UBND TP xem xét.
Qua số liệu rà soát, báo cáo của Sở KH-ĐT, hiện có 10 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chậm tiến độ và chưa triển khai. Sở KH-ĐT đã có văn bản đôn đốc và yêu cầu giãn tiến độ đầu tư theo quy định tại Điều 46 Luật Đầu tư. Đến nay đã có 5 dự án được giãn tiến độ đầu tư, 5 dự án chưa thực hiện việc giãn tiến độ đầu tư.
Đối với dự án có vốn đầu tư trong nước, UBND TP Đà Nẵng đã tiến hành thu hồi 01 dự án, hiện còn 17 dự án chậm tiến độ và chưa triển khai. Trong thời gian qua, Sở KH-ĐT đã có văn bản đôn đốc nhà đầu tư triển khai dự án và phối hợp với các ngành chuyên môn tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại để tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án.
“UBND TP đã đồng ý cho giãn tiến độ đối với 5 dự án có vốn đầu tư trong nước. Dự kiến trong thời gian tới, UBND TP sẽ hợp với các ngành để tiếp tục rà soát, chỉ đạo, xử lý đối với một số dự án cụ thể!” – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay.
Người dân chưa đồng tình mẫu mái che di động mới
Về việc triển khai lắp đặt mái che di động theo mẫu thiết kế mới tại một số tuyến đường trên địa bàn, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay, UBND TP Đà Nẵng đã có chủ trương triển khai thí điểm mẫu che nắng tại Công văn 3895/UBND-QLĐTh ngày 30/5.
Theo đó, đối với các tuyến đường không yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan thì các mẫu che sử dụng khung nhôm phủ bạt nền trắng có sọc màu gắn vào mặt tiền tầng 1, dốc về phía vỉa hè, có thể thu vào khi không sử dụng, cơ bản đảm bảo mỹ quan, có thể chọn làm mẫu cho từng đoạn phố.
Đối với tuyến đường có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan thì mái che sử dụng hệ khung bọc Aluminium, mặt dưới mái che cách độ cao vỉa hè 3,5m, mặt trên dốc về phía lòng đường để thoát nước, độ vươn nhỏ hơn hoặc bằng 3m so với chỉ giới xây dựng, cách mép vỉa hè tối thiểu 1m.
UBND TP Đà Nẵng cũng quy định không thực hiện quảng cáo, không đặt để các vật kiến trúc khác trên mái che. Trên một đoạn phố chỉ sử dụng một màu mái che. Hiện UBND quận Hải Châu đã cho triển khai lắp đặt tại một số tuyến đường cho người dân có nhu cầu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Nho Trung, Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho hay, cử tri quận Hải Châu và quận Thanh Khê đề nghị TP chỉ đạo xem xét lại mẫu thiết kế mái che di động mới để người dân có thể thực hiện đồng loạt. Vì mẫu mái che di động mới có giá thành cao và không đảm bảo trong điều kiện mưa bão.