Đà Nẵng: Người dân tự nguyện chuyển giao voọc chà vá, rùa 3 gờ
Ngày 19/8, Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng cho hay vừa chuyển giao cho Thảo Cầm Viên Sài Gòn 01 cá thể voọc vá chân nâu (Pygathrix nemaeus), giống cái, cân nặng 600 gram, còn trong giai đoạn bú sữa mẹ, để cứu hộ và tiếp tục nuôi dưỡng, nhân giống, bảo tồn gen theo quy định của pháp luật.
Cá thể voọc chà vá chân nâu non bị lạc đàn do anh Trương Văn Đức phát hiện được Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng chuyển giao cho Thảo Cầm Viên Sài Gòn đểcứu hộ và tiếp tục nuôi dưỡng, nhân giống, bảo tồn gen theo quy định của pháp luật (Ảnh do Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng cung cấp) |
Trước đó, ngày 5/8, anh Trương Văn Đức (sinh năm 1980, người dân thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) đã đến Hạt Kiểm lâm huyện Hòa Vang đề nghị tiếp nhận cứu hộ cá thể voọc kể trên do anh phát hiện, bắt giữ trong lúc làm nương rẫy gần rừng. Có thể cá thể voọc này bị voọc mẹ để rơi xuống đất trong lúc di chuyển giữa các cây rừng, nên bị lạc đàn.
Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng đã thực hiện các biện pháp chăm sóc khôi phục sức khỏe ban đầu cho cá thể voọc non này và nhanh chóng lập thủ tục chuyển giao cho đơn vị Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Đây cũng là cá thể voọc sơ sinh thứ hai có xuất xứ từ khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa (xã Hòa Bắc) được Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng chuyển giao cho Thảo Cầm viên Sài Gòn.
Trước đó, năm 2010, Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng cũng đã chuyển cho Thảo Cầm Viên Sài Gòn cứu hộ cá thể voọc non đầu tiên có xuất xứ từ khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng). Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã bố trí một kỹ thuật viên phụ trách chăm sóc từng cá thể voọc với một chế độ đặc biệt.
Sau 5 năm sinh sống tại Thảo Cầm viên, cá thể voọc non thứ nhất đã trở thành cá thể voọc đực trưởng thành, mạnh khỏe và đủ điều kiện để ghép đôi nhân giống trong môi trường nuôi sinh sản có kiểm soát. Với cá thể voọc non thứ hai, sau 2 tuần được chăm sóc, nuôi dưỡng cũng đã khôi phục sức khỏe và tập tính, thích nghi tốt với môi trường nuôi sinh trưởng bán hoang dã.
Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng cho hay, công tác phối hợp giữa đơn vị với Thảo Cầm viên Sài Gòn trong việc kịp thời cứu hộ các cá thể voọc vá chân nâu còn sơ sinh trong 5 năm qua đã cho kết quả tốt đẹp, góp phần tích cực trong việc thực thi pháp luật và bảo tồn nguồn gen quý, hiếm của Việt Nam.
Được biết, voọc vá chân nâu thuộc phân họ Khỉ ăn lá (Colobinae), được xem là loài thú đặc hữu của Việt Nam và Lào; trong đó có trên 80% số cá thể phân bố ở Việt Nam. Đà Nẵng là địa phương có phân bố voọc vá chân nâu lớn nhất nước. Đây là loài động vật hoang dã thuộc nhóm nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế CITES. Mọi vi phạm liên quan đến loài này và các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ khác đều phải truy cứu trách nhiệm hình sự bất kể số lượng, khối lượng, giá trị tang vật.
Các cá thể rùa 3 gờ được Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng chuyển giaocho Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Cúc Phương (Ảnh do Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng cung cấp) |
Ngoài cá thể voọc nêu trên, Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng cũng cho biết đã chuyển giao 20 cá thể rùa 3 gờ (Malayemys subtrijuga) cho Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Cúc Phương (Quảng Bình) để chăm sóc, cứu hộ. Sau một tháng chăm sóc, khôi phục tình trạng sức khỏe tại Cúc Phương, số rùa 3 gờ này đã được đưa trở lại khu sinh quyển Vườn Quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai) để tái thả vào vùng phân bố tự nhiên.
Các cá thể rùa 3 gờ này được chị Nguyễn Thị Bê (trú tại thôn Tây An, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) mua của người dân địa phương và chuyển giao cho Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng để thả lại vào môi trường tự nhiên.
Theo Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng, rùa 3 gờ thuộc họ Rùa đầm (Geoemydidae) là một trong 25 loài rùa cạn và rùa nước ngọt Việt Nam. Môi trường sống của rùa 3 gờ là đầm lầy, kênh, rạch và các dòng sông tỉnh. Ở Việt Nam loài này có phân bố ở Đồng Nai và các vùng đất thấp của Nam bộ. Trên thế giới, rùa 3 gờ có phân bố ở các nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan.
Rùa 3 gờ được xếp vào danh mục các loài động vật hoang dã nguy cấp, qúy, hiếm thuộc Phụ lục II của Công ước CITES về buôn bán bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp. Hiện nay các loài rùa bản địa của Việt Nam cũng như các loài động vật hoang dã khác đang đối mặt với tình trạng suy giảm nghiêm trọng trong tự nhiên do bị bẫy, bắt, buôn bán, nuôi nhốt trái phép.
Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng cho hay, việc người dân tự giác chuyển giao các loài động vật hoang dã cho cơ quan chức năng để tái thả vào môi trường tự nhiên là kết quả của các chương trình giáo dục, hội thảo cộng đồng do Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng phối hợp với phòng TN-MT huyện Hòa Vang tổ chức nhân các dịp như Ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học. Qua đó đã nâng cao được nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của các giá trị đa dạng sinh học và các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.