Đà Nẵng: Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn 2016 sẽ diễn ra từ 25 – 27/3
Ngày 7/3, UBND quận Ngũ Hành Sơn cho hay, lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn năm 2016 sẽ được tổ chức trong 3 ngày 25, 26 và 27/3 (nhằm ngày 17, 18 và 19 tháng 2 năm Bính Thân) tại chùa Quán Thế Âm (quận Ngũ Hành Sơn). Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Chủ tịch UBND quận, sẽ làm Trưởng ban tổ chức lễ hội.
Tăng ni, Phật tử và du khách thập phương đến tham dự lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn (Ảnh: Thanh Lài) |
Theo UBND quận Ngũ Hành Sơn, lễ hội năm nay được tổ chức trong điều kiện quận Ngũ Hành Sơn đã hoàn thành công tác giải tỏa tuyến đường Sư Vạn Hạnh và chùa Quán Thế Âm đã cơ bản hoàn thiện các hạng mục công trình chùa Ngọc Thạch, khánh thành Bảo tàng Phật giáo. Do đó, quy mô của lễ hội cũng được nâng lên do với năm 2015.
Theo đó, lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn 2016 sẽ gồm các hoạt động chính như lễ khai hội, lễ tế xuân cầu quốc thái - dân an, lễ chính thức; đồng thời tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao mang đậm bản sắc dân tộc xen lẫn hiện đại như: Trình diễn thư pháp đại tự, biểu diễn võ thuật truyền thống và nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản, biểu diễn trống hội và múa tường trình, thả hoa đăng, giao lưu thơ nhạc, ra mắt đặc san lễ hội, hô hát bài chòi, đua thuyền truyền thống.
Lễ hội cũng sẽ có sự tham gia của đoàn sư sãi, cao tăng Nhật Bản; tăng đoàn Phật giáo Vương quốc Thái Lan; đoàn Phật ngọc hòa bình thế giới của ông Ian Green (quốc tịch Úc), chủ nhân tượng Phật ngọc, đến trưng bày, tặng tượng Phật và cùng tham gia các hoạt động của lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn.
Nhân dịp này, BTC còn mời các câu lạc bộ võ thuật cổ truyền dân tộc, một số đoàn nghệ thuật quốc tế của Thái Lan và Nhật Bản sang biểu diễn. Thêm một nét mới của lễ hội năm nay là tổ chức Ngày chạy Olympic “Vì sức khỏe toàn dân”, Hội Cờ làng. Đặc biệt, Bảo tàng Phật giáo tại chùa Quán Thế Âm đã được khánh thành là dịp để đạo hữu và du khách thập phương tham quan, nghiên cứu và chiêm ngưỡng các tinh hoa cổ vật Phật giáo..
Được biết, tại lễ hội Quán Thế Âm năm 2015, ước tính mỗi ngày khu danh thắng Ngũ Hành Sơn đón khoảng 20.000 - 30.000 lượt người trẩy hội cầu an, vãn cảnh. Riêng ngày diễn ra lễ vía chính thức, số lượng đạo hữu Phật tử và du khách tham gia lễ hội tăng đột biến, ước khoảng 40.000 - 50.000 lượt người. Dù vậy, công tác giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn được bảo đảm trước, trong và sau lễ hội.
Đặc biệt, quyết tâm về một lễ hội "5 không" do BTC đề ra gồm: không có trộm cắp, cướp giật, móc túi, không có lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng; không xả rác bừa bãi, không vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; không nâng giá giữ xe, không bán hàng rong, chèo kéo khách, ép giá; không bán chim, cá và các loại thủy sản khác phóng sinh; không phát tán tài liệu, hoạt động mê tín dị đoan cơ bản đã được thực hiện khá nghiêm ngặt, nhận được nhiều sự đánh giá cao.
Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn có xuất xứ từ một lễ vía thuần túy tôn giáo của đồng bào theo đạo Phật. Đó là Lễ vía Đức Phật Quan Thế Âm vào ngày 19 tháng 2 âm lịch hằng năm. Qua lễ hội Quán Thế Âm, hình ảnh du lịch TP Đà Nẵng và quận Ngũ Hành Sơn ngày càng được quảng bá rộng rãi đến với du khách trong và ngoài nước. Năm 2000, lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn đã được xếp vào danh mục 15 lễ hội lớn của cả nước.
Từ đó, lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn trở thành một lễ hội lớn mang đậm nét văn hóa truyền thống cùng những nội dung phong phú không chỉ thu hút nhiều tăng ni, đạo hữu, phật tử Phật giáo trong cả nước mà còn thu hút du khách thập phương không phải là tín đồ đạo Phật đến thưởng thức, chiêm bái và tham quan.
Với vị thế sơn thủy hữu tình, lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn ngày càng được quan tâm đầu tư tổ chức quy mô hơn, với nhiều hoạt động phong phú sôi nổi, đáp ứng nhu cầu chiêm ngưỡng, lễ bái của đồng bào theo đạo Phật và trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn với bãi biển Non Nước và cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ được đông đảo du khách biết đến.
Đây là dịp để khơi dậy truyền thống lịch sử, cội nguồn dân tộc, tinh thần đấu tranh quật cường dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam, khơi dậy lòng từ bi hỉ xả. Đến với lễ hội, mỗi người dân, mỗi chư tăng, đạo hữu như gọt bỏ mọi ưu phiền để hướng đến Chân - Thiện - Mỹ, hướng đến cuộc sống thanh bình và an lạc. Đây vừa là nét sinh hoạt văn hóa dân tộc, vừa là dịp quảng bá hình ảnh và sản phẩm du lịch của Đà Nẵng để thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với TP.