Đà Nẵng không "bế quan, toả cảng" đối với người nhập cư!
Bí thư quận uỷ, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, ông Trần Văn Huy: "Chủ trương phân bổ dân cư, hạn chế nhập cư vào khu vực trung tâm TP là xác đáng, phù hợp với tình hình hiện nay!" - Ảnh: HC |
Không thể ngồi chờ Nghị định hướng dẫn
Chiều 5/12, các cuộc thảo luận về đề án phân bổ dân cư trên địa bàn giai đoạn 2013 - 2020 tiếp tục thu hút nhiều sự quan tâm của các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 5 HĐND TP Đà Nẵng khoá VII. Ông Huỳnh Bá Cử, Phó Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng nhận định đề án này đã được UBND TP chuẩn bị một cách công phu, nghiêm túc, có cơ sở pháp lý, căn cứ khoa học và đây là một việc làm mới chưa từng có tiền lệ.
Ông cho hay, theo Luật Tổ chức HĐND và UBND thì HĐND tỉnh, TP trực thuộc TƯ có thẩm quyền thực hiện phân bổ dân cư và cải thiện đời sống nhân dân ở địa phương; UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý dân cư, quản lý đô thị, quản lý lao động từ nơi khác đến... nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Do vậy, theo ông, việc Đà Nẵng ban hành đề án phân bổ dân cư trên địa bàn là hết sức cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh lượng người nhập cư vào TP ngày một tăng, việc phân bổ dân cư không đồng đều giữa các địa phương, mật độ dân số có sự chênh lệch khá lớn giữa các quận, huyện dẫn đến quá tải cục bộ trên các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục...
Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh xác nhận Luật Tổ chức HĐND và UBND được Quốc hội ban hành từ năm 2003 nhưng đến nay vẫn không có Nghị định hướng dẫn thực hiện. Đà Nẵng không thể ngồi chờ mãi nên phải làm. "Nếu không kiểm soát tốt vấn đề nhập cư, biến TP này trở nên hỗn loạn, ăn ở nhếch nhác, quá tải bệnh viện, quá tải trường học, quá tải đi lại, quá tải chợ búa, ô nhiễm môi trường... thì toàn bộ công sức bỏ ra làm lâu nay cũng đổ xuống sông Hàn thôi!" - ông Nguyễn Bá Thanh nói.
Theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, hiện ba đối tượng nhập cư vào địa bàn chiếm số lượng lớn là công nhân đến làm việc tại các KCN; lao động buôn bán nhỏ lẻ và lao động trong lĩnh vực vui chơi, giải trí. Nhóm thứ nhất hạn chế về trình độ chuyên môn kỹ thuật, còn nhóm thứ hai ngoài hạn chế này còn là nguồn gốc của nhiều vấn đề tệ nạn xã hội. Trước tình hình đó, trong thời gian qua Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã phải trực tiếp đứng ra xử lý vấn đề nhập cư theo tinh thần Nghị quyết 23 của HĐND TP.
"Ai đạt tiêu chuẩn mới cho vào chứ không phải muốn vào kiểu gì thì vào. Không chỉ số lượng dân cư mà còn phải chất lượng nữa. Muốn vô đây ở thì phải có nhà, phải có nghề nghiệp. Có thể không có nhà sở hữu thì ở nhà thuê, nhưng phải là nhà thuê của các tổ chức được phép kinh doanh nhà ở, nghĩa là nhà được thuê lâu dài. Nếu thuê nhà riêng của tư nhân, sau này người ta kẹt tiền lấy lại đem bán thì hoá ra anh lại thành người vô gia cư rồi đứng giậm chân la làng đòi chung cư à? Cho nên phải có nhà ở!" - ông Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh.
Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 5 HĐND TP Đà Nẵng khoá VIII biểu quyết thông qua đề án phân bổ dân cư trên địa bàn TP giai đoạn 2013 - 2020 - Ảnh: HC |
"Chiêu mộ" người tài giỏi và gia đình của họ
Từ thực tế của quận Thanh Khê, ông Trần Văn Huy, Bí thư quận uỷ kiêm Chủ tịch UBND quận cho biết, trong 9 tháng khi chưa có Nghị quyết 23 thì nhập cư vào địa bàn quận là 153 hộ/1.020 nhân khẩu, nhưng từ khi triển khai thực hiện nghị quyết đến nay chỉ có 28 hộ/151 nhân khẩu nhập cư. Đi cùng với đó là chất lượng hoá dân số theo hướng "2 có, 1 không". Đó là có nhà ở hợp pháp, có việc làm ổn định và không có tiền án, tiền sự. Qua đó cho thấy rõ hơn chủ trương phân bổ dân cư, hạn chế nhập cư vào khu vực trung tâm TP là xác đáng, phù hợp với tình hình hiện nay!
Để đề án này đảm bảo tính khả thi, theo ông Huỳnh Bá Cử, bên cạnh các giải pháp về cơ chế, chính sách, tài chính; quản lý chặt chẽ việc đăng ký hộ khẩu thường trú, đăng ký tạm trú, tạm vắng thì giải pháp về xây dựng kết cấu hạ tầng về KT-XH, phát triển sản xuất tạo ra việc làm ở các vùng ngoại ô là giải pháp căn cơ nhất.
Bí thư quận uỷ kiêm Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, ông Võ Văn Thương cũng đồng tình và cho rằng đi cùng với phân bổ dân cư phải là phân bổ nguồn lực để không chỉ hạn chế nhập cư vào khu vực trung tâm TP mà còn thu hút, giãn dân từ trung tâm ra ngoại thành. Muốn vậy phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, thuận lợi; hình thành các cụm sản xuất công nghiệp ở ngoại ô; chuyển một phần cơ sở sản xuất, trường đại học ra khỏi trung tâm TP đi đôi với việc sử dụng diện tích đất đó cho các công trình phúc lợi, xã hội công cộng thì mới hạn chế được người nhập cư vào các quận trung tâm.
Ông Trần Văn Huy đề nghị thêm: "Trong đề án dùng từ "khuyến khích" nhưng theo tôi thì nên ghi rõ là "chiêu mộ" người tài, người giỏi, người có trình độ cao, kỹ thuật cao vào TP cùng với gia đình của họ để góp phần nâng cao chất lượng dân số. Đồng thời qua đó cũng giúp mọi người khỏi ngộ nhận là Đà Nẵng đóng cửa, bế quan toả cảng đối với dân nhập cư!".
Sau hai ngày thảo luận, đến cuối buổi chiều 5/12, các đại biểu tham dự ký họp thứ 5 HĐND TP Đà Nẵng đã nhất trí biểu quyết thông qua đề án phân bổ dân cư trên địa bàn TP giai đoạn 2013 - 2020.