Đà Nẵng: Hội chợ hàng Việt có "đặc cách" cho hàng Nhật?
Ông Lê Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty Quản lý hội chợ, triển lãm và các chợ Đà Nẵng, Phó trưởng Ban tổ chức “Hội chợ hàng Việt – Đà Nẵng 2018” cho hay, đây là năm thứ 8 liên tiếp Đà Nẵng tổ chức “Hội chợ hàng Việt” nhằm triển khai cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động và thực hiện Chương trình hành động số 45-CTr/TU ngày 06/11/2009 của Thành ủy Đà Nẵng.
Ông Lê Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty Quản lý hội chợ, triển lãm và các chợ Đà Nẵng phát biểu tại cuộc họp báo sáng 4/12 giới thiệu "Hội chợ hàng Việt - Đà Nẵng 2018" (Ảnh: HC) |
Đến thời điểm này đã có hơn 200 doanh nghiệp, đơn vị đăng ký tham gia 450 gian hàng tại “Hội chợ hàng Việt – Đà Nẵng 2018”; trong đó có 150 doanh nghiệp, đơn vị hoạt động tại Đà Nẵng và 50 doanh nghiệp hoạt động tại các tỉnh, thành trên cả nước.
Theo ông Lê Ngọc Thanh, “Hội chợ hàng Việt – Đà Nẵng 2018” mang tính chất thương mại, dịch vụ tổng hợp (vừa triển lãm, vừa mua bán hàng hóa), được phân thành 3 khu vực. Gồm khu gian hàng do Công ty Quản lý hội chợ, triển lãm và các chợ Đà Nẵng tổ chức (295 gian hàng); khu thương mại tổng hợp do Công ty CP Hà Tăng Winpro tổ chức (150 gian hàng); khu giao lưu và giới thiệu sản phẩm của TP Yamanashi, Nhật Bản (05 gian hàng).
Tại cuộc họp báo sáng 4/12, nhiều phóng viên các báo phản ánh, tại các kỳ “Hội chợ hàng Việt – Đà Nẵng” trước đây từng xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp, đơn vị ở các tỉnh biên giới phía Bắc đưa hàng Trung Quốc, chủ yếu là hàng hóa phẩm cấp thấp, không rõ nguồn gốc xuất xứ vào bán ở khu “thương mại tổng hợp”.
Chính sự tạp nham ở khu “thương mại tổng hợp” này đã khiến nhiều người tiêu dùng bức xúc vì vào hội chợ hàng Việt nhưng lại mua phải các sản phẩm không phải hàng Việt. Điều này cũng gây ảnh hưởng đến uy tín của “Hội chợ hàng Việt – Đà Nẵng”. Vì vậy, tuy đã qua 8 năm tổ chức nhưng “Hội chợ hàng Việt – Đà Nẵng” vẫn chưa quy tụ được nhiều thương hiệu lớn của hàng Việt.
Tại cuộc họp báo, PV Infonet đặt câu hỏi: “Vì sao Ban tổ chức dành một khu vực cho hàng Nhật trong hội chợ mang tên “Hội chợ hàng Việt”, vốn được tổ chức nhằm khuếch trương tinh thần “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”?
Như vậy, nếu có doanh nghiệp đưa hàng Trung Quốc, và như nhiều người đã phản ánh là hàng phẩm cấp thấp, chất lượng kém, vào hội chợ hàng Việt thì Ban tổ chức lấy lý do gì để không cho phép? Vì nếu chỉ cho hàng Nhật mà không cho hàng Trung Quốc vào hội chợ hàng Việt thì có bị coi là phân biệt đối xử hay không?
Ông Lê Ngọc Thanh thừa nhận vấn đề PV Infonet đặt ra là rất đúng, tuy nhiên ông cho hay, qua các lần tổ chức lễ hội giao lưu văn hóa Việt – Nhật tại Đà Nẵng, Sở Ngoại vụ Đà Nẵng đã giới thiệu các doanh nghiệp Nhật Bản tham dự “Hội chợ hàng Việt – Đà Nẵng 2018”. Sau khi xin ý kiến cấp trên, Ban tổ chức đồng ý “đặc cách” cho hình thành một khu riêng gồm 05 gian hàng để giao lưu, giới thiệu sản phẩm của TP Yamanashi (Nhật Bản) tại hội chợ lần này.