Đà Nẵng: Công bố 43 hộ tiểu thương ở các chợ bán và giao hàng tại nhà
Phí vận chuyển tùy theo địa bàn và số km phải di chuyển
Trước đó, như Infonet đã đưa tin, ngày 6/4, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, ông Nguyễn Hà Bắc đã có công văn gửi UBND các quận, huyện; Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng và BQL các chợ quận, huyện đề nghị chấn chỉnh công tác kiểm soát, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại các chợ trên đia bàn TP theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Sở Công thương Đà Nẵng cho rằng việccông bố các hộ tiểu thương kinh doanh tại các chợ nhận bán hàng và giao hàng tại nhà sẽ giúp giảm lượng người đến các chợ... (Ảnh: HC) |
Trong đó, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng đề nghị UBND các quận, huyện; Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng; Trưởng các BQL các chợ quận, huyện lập danh sách, số điện thoại các hộ tiểu thương tại các chợ có thể cung cấp hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu thông qua hình thức đặt hàng, giao hàng tại nhà để công bố cho các cơ quan báo chí, nhân dân được biết.
Thực hiện chỉ đạo nêu trên của Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng cho biết đã tổ chức cho các hộ tiểu thương kinh doanh tại các chợ Cồn, chợ Hàn, chợ đầu mối Hòa Cường và chợ Đống Đa nhận bán hàng và giao hàng tại nhà thông qua số điện thoại được công khai.
Tính đến chiều 7/4 đã có 43 hộ tiểu thương kinh doanh tại các chợ nêu trên đăng ký tham gia, cam kết nhận hàng và giao hàng tận nhà đối với tất cả mọi khách hàng đang sinh sống trên địa bàn TP Đà Nẵng. Phí vận chuyển được tính tùy theo địa bàn và số km phải di chuyển.
Thực chất hay hình thức?
Theo Sở Công Thương cũng như Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng, việc công bố danh sách, số điện thoại các hộ tiểu thương tại các chợ có thể cung cấp hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu thông qua hình thức đặt hàng, giao hàng tại nhà là nhằm hỗ trợ người dân thực hiện nghiêm chủ trương cách ly xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có việc hạn chế đến nơi đông người.
Tuy nhiên, sau khi Infonet đưa tin về việc lập danh sách các hộ này và thông tin được chia sẻ trên trang FB “Quản lý đô thị Đà Nẵng – Xanh – Sạch – Đẹp” thì đã có một số ý kiến của người dân cho rằng cách làm này chủ yếu mang tính hình thức chứ không giải quyết được căn bản vấn đề là đáp ứng nhu cầu của người dân và hạn chế tập trung đông người tại các chợ.
Tuy nhiên nhiều người dân cho rằng việc tổ chức cho tiểu thương tại các chợ nhận bán hàng, giao hàng tại nhà chủ yếu có tính hình thức mà không giải quyết được căn bản vấn đề là đáp ứng nhu cầu của người dân và đảm bảo giãn cách xã hội. (Cảnh chen lấn mua bán tại chợ Đống Đa - Đà Nẵng ngay giữa mùa Covid-19. Ảnh do bạn đọc cung cấp) |
Điển hình là ý kiến của bạn Y.Y.K. trên trang Quản lý đô thị Đà Nẵng: “Làm vậy cũng không hiệu quả, đâu có mấy ai muốn đi chợ đặt online. Rồi ai sẽ đi giao hàng, cũng khác gì shiper now hay grab? Chưa kể giao như vậy giá cả đội lên, người dân đã không có tiền còn thêm chi phí nữa thì càng không khả thi. Rồi giao hàng như thịt cá mà người mua thấy không vừa ý nữa thì sao?”. Ý kiến này đã thu hút hàng chục lượt đồng tình.
Nhiều người khác cũng tán thành câu hỏi của bạn đọc H.T.: “Chỉ thị 16 của Thủ tưởng yêu cầu đứng cách nhau tối thiểu 2m để đảm bảo khoảng cách an toàn giữa người với người khi đến nơi công cộng. Trong khi đó, Đà Nẵng để người dân tập trung đến chợ, chỉ cách nhau 0,2m thì chống Covid-19 như thế nào thưa ông Giám đốc Sở Công Thương?”.
Do vậy, đã có nhiều ý kiến đề nghị chính quyền TP Đà Nẵng nên cân nhắc cho phép hoạt động trở lại ở mức độ có thể đối với các cơ sở ăn uống bán hàng qua mạng, bán mang đi. Bởi loại hình này không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân mà còn góp phần giảm tải lượng người tập trung đến các chợ nên cũng sẽ đảm bảo an toàn hơn.
Đồng thời việc cho phép hoạt động ở mức độ nhất định các cơ sở ăn uống bán hàng qua mạng, bán mang đi sẽ giảm bớt khó khăn, tạo thu nhập cho người dân, giảm bớt căng thẳng xã hội và không biến Đà Nẵng trở thành ốc đảo so với nhiều nơi khác trên cả nước như Hà Nội, TP.HCM, Huế... không những không cấm mà còn khuyến khích việc bán hàng ăn uống qua mạng, bán mang đi!