Đà Nẵng chưa cấp phép cho BigC đổi chủ
Sáng 9/7, được sự ủy quyền của Giám đốc Sở, bà Lê Thị Kim Phương, Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại (Sở KH-ĐT Đà Nẵng) cho hay vừa nhận được văn bản của Bộ Tài chính yêu cầu rà soát các quy định trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh thay đổi thông tin người đại diện theo pháp luật của BigC Việt Nam từ Tập đoàn Casino (Pháp) sang Tập đoàn bán lẻ Central Group (Thái Lan).
Đến thời điểm này Đà Nẵng vẫn chưa cấp phép cho BigC Đà Nẵng thay đổingười đại diện theo pháp luật sau khi hệ thống BigC Việt Nam đổi chủ từ Tập đoàn Casino (Pháp) sang Tập đoàn bán lẻ Central Group (Thái Lan)! (Ảnh: HC) |
“Trong văn bản của Bộ Tài chính đề nghị Đà Nẵng thu hồi lại giấy chứng nhận doanh nghiệp (DN), chứng nhận chi nhánh nếu như đã cho BigC Đà Nẵng thay đổi người đại diện theo pháp luật. Nhưng thực tế là đến nay chúng tôi vẫn chưa điều chỉnh bất cứ nội dung nào đối với BigC Đà Nẵng cả!” – bà Lê Thị Kim Phương nói.
Theo bà Lê Thị Kim Phương, giấy phép trước đây được Đà Nẵng cấp cho Công ty Vindemia (Pháp) do ông Guy Lacombe (quốc tịch Pháp) làm đại diện là bên ký hợp đồng thuê mặt bằng tại Vĩnh Trung Plaza của Công ty Đức Mạnh để kinh doanh thương mại, và từ đó đến nay giấy phép này chưa thay đổi.
Mới đây, BigC Đà Nẵng có nộp hồ sơ xin điều chỉnh một số nội dung trong giấy phép đầu tư tại địa điểm kể trên nhưng hiện Sở KH-ĐT Đà Nẵng chưa xử lý vì chờ phán quyết của tòa về địa điểm mà BigC Đà Nẵng và Công ty CP Đức Mạnh đang có sự tranh chấp.
“Sở đã có văn bản yêu cầu giải thích rõ về địa điểm này vì Big C và Đức Mạnh đều nói nơi đó là của họ và cả hai bên đều nói có bằng chứng. Tuy nhiên Sở yêu cầu cung cấp bằng chứng thì đến thời điểm này họ chưa cung cấp. Vì vậy Sở có ý kiến chờ phán quyết của tòa, vì họ cũng đang kiện ra tòa về địa điểm!” – Bà Lê Thị Kim Phượng nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH-ĐT Đà Nẵng) cũng cho biết, hiện Đà Nẵng chưa cấp phép cho BigC Đà Nẵng thay đổi người đại diện pháp luật từ Tập đoàn Casino sang Tập đoàn Central Group do chưa nhận được hồ sơ của DN.
“Tại Đà Nẵng, hiện BigC vẫn đang hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do UBND TP cấp trước đây chứ họ chưa làm bất cứ thủ tục gì liên quan đến việc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh thể hiện tư cách pháp nhân gồm tên DN, địa chỉ trụ sở, thông tin về trưởng chi nhánh tại Đà Nẵng!” – bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt nói.
Trước đó, Tập đoàn Casino (Pháp) đã thông báo hoàn tất việc chuyển nhượng hệ thống siêu thị BigC Việt Nam cho Tập đoàn bán lẻ Central Group (Thái Lan) từ cuối tháng 4/2016 với trị giá thương vụ 1,04 tỷ USD. Thuế chuyển nhượng được Tổng cục Thuế Việt Nam tính toán khoảng 3.600 tỉ đồng. Theo quy định, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế là ngày thứ 10 kể từ ngày các bên thỏa thuận chuyển nhượng vốn. Tuy nhiên đến nay cơ quan thuế Việt Nam vẫn chưa nhận được hồ sơ kê khai và nộp thuế của thương vụ chuyển nhượng này.
Do vậy, Tổng cục Thuế đã có văn bản gửi khoảng 20 Cục Thuế các tỉnh, thành có hoạt động kinh doanh của BigC, yêu cầu rà soát lại các quy định trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh thay đổi thông tin người đại diện theo pháp luật của BigC.
Đồng thời đề nghị Sở KH-ĐT, UBND các tỉnh, thành phối hợp với Cục Thuế yêu cầu đơn vị này kê khai nộp thuế theo quy định trước khi thực hiện các thủ tục liên quan đến việc xác định tính pháp lý của hoạt động chuyển nhượng nói trên. Trước mắt, các công ty thuộc hệ thống BigC Việt Nam bị dừng việc thay đổi người đại diện pháp luật từ Casino sang Central Group.
Theo Tổng cục Thuế, căn cứ quy định của luật thuế thu nhập DN và các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính thì thu nhập phát sinh từ việc chuyển nhượng BigC Việt Nam là thu nhập có nguồn gốc từ Việt Nam và phải chịu thuế thu nhập DN theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đồng thời, căn cứ quy định của các hiệp định thuế thì thuế thu nhập chuyển nhượng BigC Việt Nam có nguồn gốc tại Việt Nam nên thuộc quyền thu thuế của cơ quan thuế Việt Nam.
Như Infonet đã đưa tin, bên lề bàn tròn về thuế Việt Nam do ActionAid Việt Nam tổ chức hồi tháng 4/2016, chia sẻ về các hoạt động liên quan đến chuyển nhượng vốn trực tiếp và gián tiếp, nhượng quyền kinh doanh như các trường hợp Metro hay BigC, ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) nêu rõ: ““Họ tận dụng, “ăn” hết ưu đãi thuế để hưởng và né thuế, rồi cuốn gói, rút vốn đầu tư và chẳng làm gì nữa. Đây là hình thức đầu tư không chân chính”.
Ông Nguyễn Văn Phụng cũng nói thêm: “Với những DN bán lẻ như Metro hay BigC, nếu bản thân thực thể kinh doanh đang lỗ thì được chuyển lỗ về các năm sau. Nhưng vấn đề là DN đang lỗ mà “ông chủ” của nó vẫn bán được với khoản tiền lãi rất lớn thì chúng ta có thu thuế không? Đương nhiên chúng tôi phải có nhiều biện pháp để thu thuế các ông chủ này. Đơn cử, ông chủ của Metro bán cơ sở Metro tại Việt Nam và có thu nhập thì chúng ta phải thu thuế!”.
Trong bài “BigC “làm khó” hàng Việt để đuổi khéo?”, báo Tuổi Trẻ ngày 9/5 cho hay, hàng loạt DN nông sản thực phẩm Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phải rút hàng khỏi quầy, kệ của hệ thống siêu thị Big C Việt Nam sau khi bị đòi chiết khấu tăng quá ngưỡng chịu đựng, thậm chí có mặt hàng bị đòi chiết khấu lên đến 25%. Với chính sách chiết khấu năm sau cao hơn năm trước kèm hàng chục loại phí khác nhau, hệ thống siêu thị BigC Việt Nam đã khiến nhiều doanh nghiệp phải ngưng đưa hàng vào hệ thống này.
“Theo ông Hồ Minh Chính - chuyên gia đào tạo bán hàng, việc hệ thống BigC Việt Nam tăng chiết khấu lên mức quá cao như thời gian qua là một mũi tên trúng nhiều đích. Bằng cách tăng chiết khấu, nhà bán lẻ đã dễ dàng loại bỏ những nhà cung cấp Việt Nam vì các DN không thể đưa hàng vào bán mà không có lời do chi phí bán hàng quá cao... Hàng Việt bị ra đi thì cơ hội để hàng Thái, hàng ngoại nhập vào lấp khoảng trống!” – bài trên báo Tuổi Trẻ viết.