Đà Nẵng: Chủ tịch 7 quận, huyện ký cam kết “Thành phố 4 an”
Ngày 27/12, Chủ tịch UBND 7 quận, huyện của TP Đà Nẵng đã cùng ký cam kết thực hiện chủ trương xây dựng “Thành phố 4 an” tại hội nghị quán triệt, triển khai Đề án thực hiện chương trình này và kết luận 05-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới do Thành ủy Đà Nẵng tổ chức.
Chủ tịch UBND 7 quận, huyện của Đà Nẵng ký cam kết thực hiện chương trình "Thành phố 4 an" (Ảnh: HC) |
Sau khi chứng kiến ký cam kết, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng nêu rõ: “Chủ tịch các quận huyện đã ký kết tổ chức thực hiện, đề nghị phải đặt sinh mệnh chính trị vào chữ ký này. Bí thư, chủ tịch nào làm tốt, tôi đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, đề bạt, bổ nhiệm các chức vụ cao hơn. Ai làm chưa tốt sẽ điều chuyển, thay thế”.
Được biết, năm 2000, Đà Nẵng ban hành chương trình “Thành phố 5 không”, đến năm 2005 tiếp tục ban hành chương trình “Thành phố 5 không – 3 có” gồm: không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người cướp của; có nhà ở, có việc làm, có lối sống văn minh đô thị. Năm 2009, Đà Nẵng điều chỉnh chương trình nêu trên, cùng với thực hiện các chủ trương, chính sách khác giúp thành phố phát triển theo hướng an bình.
Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng bất ổn về an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, an sinh xã hội đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về phát triển bền vững của Đà Nẵng. Do đó, với Đề án “4 an”, lãnh đạo thành phố kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng ngừa và đấu tranh đẩy lùi tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự…; hướng đến xây dựng TP Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.
Theo đó, trên lĩnh vực an ninh trật tự, Đà Nẵng quyết tâm giữ vững ổn định chính trị, đẩy lùi tội phạm, quản lý chặt chẽ các đối tượng mua bán, sử dụng chất kích thích. Đối với an toàn giao thông, Đà Nẵng hướng đến nâng cao nhận thức của toàn dân để giảm thiểu các vụ tai nạn thương tâm. Đồng thời, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, phát triển vận tải công cộng gắn với giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân theo lộ trình. Qua đó, kéo giảm 5-10% tỉ lệ tai nạn giao thông hàng năm, trên cả 3 tiêu chí (về số vụ, số người chết và số người bị thương).
Về an toàn thực phẩm, các quận/huyện tại Đà Nẵng cam kết dùng nhiều biện pháp tuyên truyền, phổ biến, kiểm soát … nhằm đảm bảo 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời liên kết với các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản an toàn như Lâm Đồng, vùng rau chuyên canh ven Đà Nẵng… để người dân thành phố có được nguồn thực phẩm chất lượng.
Trong lĩnh vực an sinh xã hội, Đà Nẵng sẽ kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư tạo môi trường thuận lợi cho người lao động khởi nghiệp hoặc có việc làm ổn định. Hướng đến cuối năm 2020, tỉ lệ người có việc làm mới bình quân 4-5%/năm, tỉ lên thất nghiệp giảm xuống dưới 3%. Song hành với việc làm, các mảng giáo dục, y tế, giảm nghèo, nước sạch… được Đề án đưa ra các chỉ tiêu cụ thể, hành động cụ thể phải thực hiện trong năm 2017.
Ông Nguyễn Xuân Anh yêu cầu trong quá trình triển khai đề án này cần phải đưa ra nhiều biện pháp thiết thực, đạt hiệu quả chứ không để đây chỉ là “chủ trương trên giấy”. Ông cho rằng, bằng việc huy động tất cả lực lượng chính trị toàn thành phố, từ từng cá nhân đến cả cộng đồng, từ doanh nghiệp đến chính quyền, từ đoàn thể đến mặt trận, thì Đề án “4 an” sẽ là tiêu chí mới xây dựng Đà Nẵng an bình, đảm bảo một xã hội văn minh, môi trường đầu tư thuận lợi, phục vụ mục tiêu xây dựng thành phố giàu đẹp.