Đà Nẵng "bình tĩnh đối phó với khó khăn năm 2013!"
Bế mạc kỳ họp thứ 5 HĐND TP Đà Nẵng khoá VIII chiều 6/12 - Ảnh: HC |
Không được thu 5 đồng mà chi 7 đồng!
Theo đó, trong năm tới, TP Đà Nẵng đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 9,5% - 10%; kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ tăng 13 - 15% (trong đó xuất khẩu hàng hoá tăng 13,5 - 14%); dự toán thu và chi ngân sách địa phương 12.990,4 tỉ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển 28.000 tỉ đồng, tăng 4 - 5%; giải quyết việc làm mới cho trên 3 vạn lượt lao động...
Phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp, ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng nhấn mạnh: "Những thách thức, khó khăn mà KT-XH của TP phải đối mặt trong năm 2012 chắc chắn sẽ kéo sang năm 2013. Tình hình chung của cả nước không có gì sáng sủa lắm và TP Đà Nẵng cũng nằm trong số đó. Nên phải hết sức bình tĩnh để đối phó".
Ông yêu cầu UBND TP rút kinh nghiệm việc điều hành thu chi ngân sách năm 2012, phải đảm bảo chi lương và chương trình mục tiêu, còn lại "tất tần tật" là thu đến đâu chi đến đó. "Không được thu 5 đồng mà tạm ứng những khoản khác để chi lên tới 7 đồng rồi sau đó sẽ khó khăn. Các sở, ngành, quận, huyện, các đơn vị thụ hưởng ngân sách phải hết sức chia sẻ với khó khăn của TP. Chúng ta không thể chi tiêu vượt quá sức của mình. Chủ tịch UBND TP phải trực tiếp điều hành vấn đề ngân sách của TP!" - ông Nguyễn Bá Thanh nói.
Trước mắt, ông yêu cầu tập trung lo Tết chu đáo cho người dân, phải làm sao để mọi người đều được vui xuân, đón Tết; không để bất cứ trường hợp nào vì bất cứ lý do gì mà không được đón Tết. Gặp những hoàn cảnh khó khăn thì TP sẽ có cách để giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, lãnh đạo TP và các ngành hữu quan phải đảm bảo bình ổn giá, an ninh trật tự, an toàn trong dịp Tết.
TP bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng
Đối với vấn đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông đề nghị UBND TP Đà Nẵng tổ chức cuộc gặp giữa lãnh đạo TP với các doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn trong quý 1/2013. Để tiến tới cuộc gặp này, ông yêu cầu UBND TP phải làm rõ những doanh nghiệp nào có nhu cầu vay vốn chính đáng và có triển vọng nhưng ngân hàng không cho vay để TP đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp đó được vay vốn. Nếu doanh nghiệp trả không được thì TP phải bỏ ngân sách ra đền nên ngân hàng sẽ yên tâm cho vay. Sau cuộc gặp giữa lãnh đạo TP với các ngân hàng trên địa bàn hồi giữa năm 2012, đến nay đã có gần 80% điều chỉnh hạ lãi suất, cũng đỡ một phần cho doanh nghiệp giữa lúc khó khăn.
"Với 58 ngân hàng trên địa bàn thì không lo không có người cho vay. Quan trọng là phải trả lời câu hỏi ai muốn vay, vay làm gì, có hiệu quả không? Đồng thời UBND TP cùng Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TP khảo sát xem nếu TP đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp này thì có những ngân hàng nào có tiền cho vay và đồng ý cho vay? Làm rõ những điều này rồi mới gặp để tháo gỡ cho doanh nghiệp chứ không gặp gỡ theo kiểu nói chung chung hô khẩu hiệu!!" - ông Nguyễn Bá Thanh yêu cầu.
Siết chặt quản lý cư trú trên địa bàn
Đối với đề án phân bổ dân cư vừa được HĐND TP Đà Nẵng thông qua, ông Nguyễn Bá Thanh một lần nữa nêu rõ: "Sở dĩ Đà Nẵng đặt nặng vấn đề này bởi quyền cơ bản của công dân không chỉ là cư trú mà còn học hành, đi lại và bao nhiêu quyền khác phải được đảm bảo. Lớp học phải có sĩ số. Hội trường này sức chứa bao nhiêu người cũng có chừng mực chứ không phải bao nhiêu cũng được. Đô thị cũng vậy, hạn chế nhập cư là hạn chế vào nội thành, đặc biệt hai quận Hải Châu và Thanh Khê bây giờ mật độ dân số đã dày đặc. Nếu không kiểm soát, đến lúc nào đó sẽ quá tải. Hiện đã có những chỗ quá tải.
Không phải Đà Nẵng "bế quan toả cảng". Tôi từng trả lời trên báo chí nhưng chẳng qua một số người cố tình không hiểu, rồi cho Đà Nẵng không muốn nhập cư. Quy mô dân số của TP đến năm 2030 lên tới 2 - 2,5 triệu người, nghĩa là TP cần lượng nhập cư cả triệu người. Vấn đề là muốn chất lượng dân số tăng lên thì phải có sự chọn lựa nhất định, chứ không thể biến Đà Nẵng thành nơi không nghề nghiệp, tiền án, tiền sự nhập cư vào không góp phần xây dựng chi hết mà ngược lại làm rối thêm thì cái đó TP không có nhu cầu!".
Ông đề nghị UBND TP Đà Nẵng công bố rộng rãi, đưa về phổ biến tận các tổ dân phố Quyết định 9930 vừa được Chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến ký ngày 30/11/2012 để người dân biết và thực hiện. Theo đó, mức xử phạt các vi phạm quy định về đăng ký quản lý cư trú trên địa bàn sẽ từ 200.000 đồng lên tới 10 triệu đồng nhằm lập lại trật tự trong lĩnh vực đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú, tạm vắng. "Không để có những người từ đâu đâu vào ở cả năm trời không ai biết, đến khi gây án mới giật mình ra" - ông Nguyễn Bá Thanh nói.