Đà Nẵng: Bác đề xuất biến sông Hàn thành tuyến vận tải hàng hóa
Không thể dùng sà lan chở hàng hóa, container chạy trên sông Hàn
Như Infonet đã đưa tin, ngày 9/6, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa dẫn đầu đoàn công tác của Bộ này đã vào làm việc với lãnh đạo Đà Nẵng về công tác quản lý, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP. Tại đây, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Hoàng Hồng Giang đã đưa ra một đề xuất khiến nhiều người ngỡ ngàng. Đó là biến sông Hàn thành tuyến... vận tải hàng hóa cho cảng Tiên Sa!
Đề xuất của Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Hoàng Hồng Giang về việc biến sông Hàn thành tuyến vận tải container... (Ảnh: HC) |
“Tuyến này dài khoảng 28km. Hôm trước chúng tôi có bàn bạc với tư vấn đề xuất nghiên cứu cải tạo tuyến này để vận tải thủy từ cảng Tiên Sa lên KCN Hòa Cầm. Bởi vì chỗ này là ngã ba sông nên vận tải thủy rất tốt. Từ đó Đà Nẵng có thể phát triển tuyến vận tải hàng hóa đường thủy ngắn bằng tàu chuyên dụng để rút hàng và cấp hàng cho cảng Tiên Sa.
Ở đây, ngoài đập ngăn mặn Cầu Đỏ còn có một cầu đường sắt trên QL1. Cầu này khi thủy triều lên mực nước cao nhất thì tĩnh không khoảng 4m, khoang thông thuyền chỉ có 7m. Nếu muốn khai thác tuyến này thì bắt buộc phải sử dụng loại vận tải thủy tương đối chuyên dụng, chỉ có rút hàng từ cảng Tiên Sa đến ngã ba sông Hòa Vang – KCN Hòa Cầm bằng sà lan đặc biệt!” – ông Hoàng Hồng Giang nói, và giải thích việc đưa ra đề xuất này nhằm giảm áp lực cho cảng Tiên Sa trong khi cảng Liên Chiểu đến năm 2025 mới hoàn thành.
Tuy nhiên Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa bác bỏ ngay đề xuất này. Ông nhấn mạnh, trong quy hoạch phát triển KT-H TP Đà Nẵng thì sông Hàn không phải tuyến vận tải hàng hóa mà chỉ phục vụ khai thác du lịch. Vì vậy, khi còn cảng Sông Thu thì Đà Nẵng xây cầu quay Sông Hàn, nhưng đến khi xây dựng cầu Rồng thì cảng Sông Thu phải di dời đi nơi khác. Chưa kể trên dọc tuyến sông Hàn lên đến Cẩm Lệ còn nhiều cây cầu khác.
...đã bị Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa... (Ảnh: HC) |
Cảng Tiên Sa đang làm “nát” đường Ngô Quyền
Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh cho hay, tàu du lịch biển đến Đà Nẵng rất nhiều nhưng cảng Tiên Sa không có cầu tàu nào cho tàu vào. “Một tàu 3 - 4 ngàn, 4 - 5 ngàn khách, một tháng vào 3 - 4 tàu. Khách tiêu xài mỗi người vài trăm USD thôi thì du lịch TP cũng hưởng được. Nhưng hiện tàu phải đậu ngoài xa rồi tăng bo vào chứ không có chỗ nào để vào cả, mà đi chung với cảng hàng hóa thì rất kẹt. Chưa kể tuyến đường Ngô Quyền còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến du lịch, gây tai nạn giao thông. Ngân sách TP thu được từ cảng Tiên Sa chỉ khoảng 40 tỉ đồng/năm nhưng kinh phí sửa chữa đường Ngô Quyền mỗi năm cũng chừng đó!” – ông nói
Theo ông, có cảng Tiên Sa thì TP có vai trò, hàng hóa đưa về đó cũng nhộn nhịp, nhưng định hướng của Đà Nẵng là phát triển công nghệ cao, còn công nghiệp nặng, sản xuất lớn thì TP không có. Mà công nghệ cao thì xuất khẩu bằng đường hàng không là chính chứ không ai xuất khẩu bằng tàu biển. Mặt khác, các KCN của Đà Nẵng chủ yếu nằm ở phía Tây, nếu cảng hàng hóa được đưa ra cảng Liên Chiểu sẽ thuận lợi hơn nhiều, tránh xa trung tâm TP, xe container không đi xuyên qua lòng TP nữa.
Ông Nguyễn Xuân Anh cũng nêu rõ, do đường Ngô Quyền là tuyến lưu thông xe container ra vào cảng Tiên Sa nên các hộ dân sống dọc tuyến đường này cũng không làm ăn gì được vì bị chặn bởi đường gom hai bên. “Nếu mở ra hết thì người ta còn buôn bán, giá trị nhà cửa tăng lên; nhưng bây giờ dọc tuyến đường Ngô Quyền, nhất là ở khu vực gần cảng Tiên Sa, giá trị đất đai, nhà cửa thấp hơn hẳn các khu vực khác vì xe container chạy như mắc cửi, mấy phút một chuyến, lại qua mấy nút giao nữa, rất là phức tạp!” – ông Nguyễn Xuân Anh nói.
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, hiện công suất hàng hóa qua cảng Tiên Sa đạt 6 – 7 triệu tấn, trong vài năm nữa hoàn thành giai đoạn 2 sẽ lên 11 – 12 triệu tấn. Ông nói gần như than: “Như vậy chắc có lẽ là nát đường Ngô Quyền. Và du lịch cũng sẽ bị ảnh hưởng. Mình đi du lịch tới một TP mà thấy xe container chạy ầm ầm trong nội thị thì làm sao yên tâm vui chơi được. Đây là vấn đề rất nan giải đối với Đà Nẵng. Vì vậy lãnh đạo TP rất quan tâm việc sớm xây dựng được cảng Liên Chiểu để giải tỏa cho cảng Tiên Sa!”.
Xem xét đầu tư cảng Liên Chiểu
Theo Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa, hiện nhiều cán bộ cựu lãnh đạo của Đà Nẵng cũng đã có ý kiến đề xuất có nên để cảng Tiên Sa là cảng hàng hóa nữa hay không? Đồng thời đề nghị quan tâm tới việc đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu vốn đã nằm trong quy hoạch của Bộ GTVT từ rất lâu rồi.
và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh bác bỏ ngay tại buổi làm việc của Bộ GTVT với lãnh đạo TP Đà Nẵng sáng 9/6 (Ảnh: HC) |
“Trục đường quyết định cho cảng Tiên Sa là đường Ngô Quyền, nhưng hiện tuyến đường này đã trở thành đường “lõi” trong nội thị. Trên đường này lại có nhiều nút giao thông với các cây cầu được đầu tư xây dựng rất bài bản, quy mô của Đà Nẵng. Khu vực này lại cũng là khu vực du lịch, nhưng với công suất của cảng Tiên Sa và tần suất xe chạy như hiện nay thì rất nguy hiểm, rất ảnh hưởng tới du lịch. Nên không sớm thì muộn cũng phải tính đến cảng Liên Chiểu!” – Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói.
Ông cho hay đã đề nghị lãnh đạo Cảng Đà Nẵng sớm làm dự án và có kế hoạch đối với cảng Liên Chiểu theo mô hình xã hội hóa đầu tư của cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).
"Những năm 1994 – 1995, khi Đà Nẵng quy hoạch cảng Liên Chiểu, Huế làm cảng Chân Mây thì cùng với đó là xây dựng hầm đường bộ qua đèo Hải Vân. Nhiều ý kiến thấy rằng làm cảng Chân Mây không hiệu quả mà nên đầu tư cảng Liên Chiểu, vì sau khi có hầm đèo Hải Vân thì vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ đến cảng Liên Chiểu rất đơn giản. Tuy nhiên vì nhiều lý do, đến nay việc đầu tư cảng Liên Chiểu vẫn chưa được khởi động. “Tôi nghĩ Cảng Đà Nẵng cần cân nhắc vấn đề này về mặt lâu dài, và cũng tránh cả tốn kém!” – Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa lưu ý.