Đà Nẵng: 10/16 báo cáo trực tiếp về khuyết điểm trước khi bỏ phiếu
Sáng nay 10/7, thực hiện Nghị quyết 35/QH13 của Quốc hội, kỳ họp thứ 7 HĐND TP. Đà Nẵng tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND TP bầu hoặc phê chuẩn gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Uỷ viên thường trực và Trưởng các Ban của HĐND TP; Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các thành viên của UBND TP.
Kỳ họp thứ 7 HĐND TP Đà Nẵng khoá VIII sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với 16 người giữ các chức danh do HĐND TP bầu hoặc phê chuẩn (Ảnh: HC) |
Tuy nhiên, như Infonet đã đưa tin, do ông Trần Thọ, Phó Bí thư Thường trực phụ trách Thành uỷ, mới trúng cử chức danh Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng hôm 1/4/2013 (thay ông Nguyễn Bá Thanh ra Hà Nội làm Trưởng Ban Nội chính Trung ương) nên chưa đủ thời gian để lấy phiếu tín nhiệm theo quy định của Nghị quyết 35/QH13. Vì vậy tại kỳ họp này HĐND TP Đà Nẵng chỉ lấy phiếu tín nhiệm đối với 16 người.
Thực hiện quy định tại Nghị quyết 35/QH13, Chỉ thị số 27-CT-TU của Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng và Kế hoạch 849/KH-HĐND của Thường trực HĐND TP Đà Nẵng về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong đợt này, 16 thành viên kể trên đều đã có báo cáo bằng văn bản về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Lần lấy phiếu tín nhiệm này diễn ra đúng thời điểm kinh tế - xã hội đang gặp nhiều khó khăn, như ông Trần Thọ nhận định: "TP tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, lãi suất vốn vay ngân hàng tuy đã giảm nhưng còn ở mức cao và doanh nghiệp khó tiếp cận; sản phẩm tiêu thụ chậm, tồn kho lớn, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ phải thu hẹp quy mô, sản xuất cầm chừng hoặc tạm ngừng hoạt động dẫn đến một bộ phận lao động mất việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn; thu thuế xuất nhập khẩu đạt thấp; tình hình an ninh trật tự trên địa bàn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; nhiều vấn đề xã hội bức xúc cần tập trung giải quyết".
Vì vậy, bên cạnh việc trình bày các ưu điểm và những mặt đã làm được, dư luận cũng rất quan tâm đến việc những người giữ các chức danh do HĐND TP Đà Nẵng bầu hoặc bổ nhiệm tự nhận trách nhiệm về những khuyết điểm, hạn chế, tồn tại trong việc thực thi nhiệm vụ đối với lĩnh vực được giao phụ trách như thế nào. Và đặc biệt là hướng giải quyết, khắc phục trong thời gian tới ra sao để việc phát triển KT-XH, giữ vững an ninh - quốc phòng của Đà Nẵng ngày càng tốt hơn.
Tuy nhiên, điểm qua 16 báo cáo của những người được lấy phiếu tín nhiệm lần này, chỉ có 10 báo cáo nêu những khuyết điểm, hạn chế, tồn tại hay những mặt chưa làm được của bản thân. Trong 5 thành viên thuộc HĐND TP Đà Nẵng được lấy phiếu tín nhiệm có 2 người đề cập vấn đề này là ông Huỳnh Nghĩa (Phó Chủ tịch HĐND TP) và bà Lương Nguyệt Thu (Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP).
Trong 11 thành viên thuộc UBND TP Đà Nẵng được lấy phiếu tín nhiệm, có 8 người đề cập vấn đề trên gồm: Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực Võ Duy Khương, các Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết, Nguyễn Ngọc Tuấn, Nguyễn Xuân Anh và các Uỷ viên Huỳnh Minh Chức (Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự TP), Huỳnh Đức Thơ (Giám đốc Sở KH-ĐT), Đặng Công Ngữ (Giám đốc Sở Nội vụ).
Đáng chú ý, trong số 10 báo cáo về "kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống" mà chúng tôi xin được tạm gọi là "có tự nhận khuyết điểm", có 7 báo cáo lập ra hẳn một mục về vấn đề này. Trong đó có những báo cáo đề cập khá cụ thể, chi tiết trách nhiệm của bản thân trước những hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực được giao phụ trách, nêu rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn tới những hạn chế, tồn tại đó và hướng khắc phục trong thời gian tới.
Cụ thể, các báo cáo có ghi rõ ràng như sau: "Về hạn chế, thiếu sót" (bà Lương Nguyệt Thu), "Nhược điểm, tồn tại" (ông Văn Hữu Chiến), "Về khuyết điểm và định hướng các biện pháp khắc phục" (ông Võ Duy Khương), "Những hạn chế tồn tại" (ông Phùng Tấn Viết), "Hạn chế, khuyết điểm" (ông Nguyễn Ngọc Tuấn), "Những mặt chưa làm được" (ông Nguyễn Xuân Anh), "Những khuyết điểm của Ban cán sự Đảng UBND trong đó có phần trách nhiệm của bản thân trên cương vị Uỷ viên Uỷ ban" (ông Huỳnh Minh Chức), "Những mặt còn yếu kém của bản thân" (ông Huỳnh Đức Thơ).
Chỉ thị 27-CT-TU của Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng nêu rõ: "Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm phải được tiến hành công khai, khách quan, công bằng, minh bạch nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động".
Trên tinh thần đó, dư luận chung đánh giá cao những báo cáo thẳng thắn không chỉ nêu ưu điểm mà còn chỉ rõ những khuyết điểm, tồn tại, hạn chế của bản thân trên cương vị đảm nhận, lĩnh vực phụ trách. Từ đó xác định những định hướng cho việc thực thi nhiệm vụ trong thời gian tới một cách hiệu quả hơn nhằm đóng góp chung vào việc đưa phong trào của địa phương vượt qua những khó khăn trước mắt, tiếp tục phát triển bền vững.