Cứu doanh nghiệp: Cần giải pháp tổng thể
Sáng 26/7 tại Hà Nội, Bộ Công thương đã tổ chức hội nghị lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để hoàn thiện đề án "Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp". Dù muộn, nhưng đây được coi là bước đi cần thiết để giải cứu DN thoát khỏi tình cảnh khó khăn hiện nay.
Một đề án tổng thể cứu DN đang được Bộ Công thương gấp rút hoàn thiện |
Vốn không phải khó khăn duy nhất
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đánh giá, mặc dù nhiều DN đã áp dụng các biện pháp khuyến mãi, giảm giá trong khi lương tối thiểu được nâng lên nhưng sức tiêu thụ hàng hóa vẫn chậm, lượng hàng tồn kho vẫn rất lớn.
Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, người đứng đầu ngành công thương cho biết, tới thời điểm 1/6 chỉ số hàng tồn kho của ngành công nghiệp chế biến tăng 26% so với cùng thời điểm năm 2011.
Lãi suất vay cao và khả năng tiếp cận vốn khó khăn, đặc biệt là với DN vừa và nhỏ đang khiến khối DN này "chết dần chết mòn".
"Dù lãi suất đã giảm nhưng việc tiếp cận vốn vay từ NH gặp nhiều khó khăn (lãi vay, quy trình, thủ tục vay....), nên hầu hết các DN không vay được mức lãi suất mà NH công bố. Riêng đối với các DN vừa và nhỏ dù được NH ưu tiên tăng tổng dư nợ bình quân lên nhưng phần đa số DN này vẫn rất khó khăn trong vay vốn tại các nhà băng" – Bộ trưởng Hoàng bày tỏ sự cảm thông trước những khó khăn chồng chất mà khối DN đang phải gánh chịu.
DN vừa và nhỏ "thấp bé nhẹ cân" nên khó khăn đã đành, ngay cả chính các "ông lớn", tập đoàn, tổng công ty cũng lên tiếng, rằng "chưa bao giờ tình hình lại khó khăn đến thế".
Chiếm tới 60% thị phần xăng dầu, doanh thu mỗi năm hàng trăm ngàn tỷ đồng, nhưng thời gian qua đến ngay chính "ông lớn" Petrolimex cũng vướng phải khó khăn không nhỏ về vốn. "6 tháng qua có những DN thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chưa bao giờ lỗ thì vừa qua cũng bị lỗ" – ông Vương Thái Dũng – Phó tổng giám đốc Petrolimex nói và chỉ ra nguyên nhân, ngoài lãi vay cao thì việc thuế sử dụng đất (kho bãi, cầu cảng, bến đỗ...) tăng quá cao đã khiến DN không khỏi bị "choáng". Như tại Hải Phòng, tiền thuê đất hàng năm tăng khoảng 11 lần đã ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của DN.
Ông Nguyễn Văn Biên – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Than & Khoáng sản Việt Nam (TKV) than thở, than xuất khẩu không bán được, giá bán than trong nước cho các hộ gia đình lớn (như than bán cho ngành điện...) mãi không được điều chỉnh tăng đã khiến chi phí vay vốn của TKV tại các NH bị "đội" lên nhanh chóng. Đại diện TKV cho hay, mức tăng giá bán than cho điện 10-15% chỉ giúp tập đoàn tăng doanh thu thêm 300 tỷ đồng. Trong khi đó, trước khi tăng giá bán than cho điện, tổng số tiền thấp hơn giá thành lỗ tới 8.500 tỷ đồng. Như vậy, TKV vẫn lỗ hơn 8.000 tỷ đồng.
Trước đây, xuất khẩu than lãi sẽ bù đắp lại cho phần lỗ khi bán cho điện, cân đối tài chính cho tập đoàn thì nay, doanh thu xuất khẩu cả năm 2012 dự kiến giảm tới 4.000 tỷ đồng. Vì vậy, tập đoàn không còn nguồn nào bù đắp khoản lỗ trên. Chưa kể, nhiều yếu tố gia tăng như chi phí lãi vay, thuế môi trường khiến chi phí đầu vào năm 2012 có thể đội thêm 2.200 tỷ đồng"- ông Biên buồn rầu nói.
Vừa qua TKV đã giảm 10% sản lượng, nếu tiếp tục giảm nữa thì sẽ ảnh hưởng xấu tới việc làm và tình hình sản xuất của tập đoàn, tới khi muốn khôi phục hoặc tăng sản lượng sẽ rất khó khăn.
Doanh thu than trong 6 tháng chỉ đạt 28,1 nghìn tỷ đồng, bằng 42% kế hoạch, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. "Đề nghị Thủ tướng xem xét sớm điều chỉnh giảm thuế xuất khẩu than đá năm 2012 xuống mức 10%", ông Biên đề xuất.
"Phao" cứu DN nào?
Đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công thương khi soạn thảo đề án, nhưng GS. Nguyễn Mại – Chủ tịch Hội đầu tư nước ngoài cho rằng, việc chỉ ra con số bao nhiêu DN đang khó khăn, phá sản hoặc giải thể không quan trọng bằng giải pháp cứu số này. Dù đã phát hiện ra mối nguy hiểm từ lâu, nhưng chúng ta lại quá chậm trễ trong quá trình giải quyết.
Nếu không giải cứu các DN mà vẫn để DN khó khăn như hiện nay thì cơ may cứu sống DN qua năm 2013 sẽ không còn.
"Bộ trưởng Bộ Công thương nên gặp và bàn với Thống đốc NHNN để đưa ra chỉ thị chung về giảm lãi suất, điều kiện vay cho DN... tạo thành chiến dịch giải cứu DN, chỉ đạo các NH và DN tiếp cận lẫn nhau để cứu trợ khẩn cấp" – GS. Mại đề xuất.
Cũng cho rằng cần sự gắn kết chặt chẽ giữa các bộ, ngành, lãnh đạo Petrolimex kiến nghị, trong ngắn hạn Bộ Công thương và Bộ Tài chính nên giữ ổn định mức thuế, phí. Hiện Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chủ trương mở rộng, miễn giảm tiền thuê đất cho DN, nhưng việc thực hiện tại các địa phương vẫn chưa được như mong muốn.
Về các giải pháp giải cứu DN, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, Bộ sẽ thúc đẩy nhanh các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn khác đã phê duyệt nhằm tiêu thụ sản phẩm, đồng thời có chính sách kích cầu một số nhóm hàng tồn kho lớn. Bộ Công thương cũng đang khẩn trương làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư để bổ sung kinh phí cho chương trình xúc tiến thương mại quốc gia nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu cho DN. "Tuy nhiên, các DN cũng phải tự nỗ lực, chủ động tìm giải pháp chứ không nên quá phụ thuộc vào Chính phủ" – Bộ trưởng Hoàng nói.
Thu Hoài