Cựu Chủ tịch Interpol vừa bị Trung Quốc bí mật bắt là người như thế nào?
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), cựu Chủ tịch Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) Mạnh Hoành Vĩ từng được giới truyền thông Trung Quốc ca ngợi khi khẳng định với vai trò ông Mạnh là người Trung Quốc đầu tiên nắm cương vị người đứng đầu Interpol, cộng đồng quốc tế đã “hoàn toàn công nhận” năng lực hành pháp của Trung Quốc cũng như vị thế là một quốc gia hành động theo quy định luật pháp. Vào tháng 11/2016, ông Mạnh được bầu làm Chủ tịch Interpol nhiệm kỳ 4 năm khi đang giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc.
Cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ bị Trung Quốc bắt trước cáo buộc nhận hối lộ. |
Chưa đầy một năm sau khi nhậm chức Chủ tịch Interpol, ông Mạnh đã tổ chức một cuộc họp toàn thể của Interpol tại Bắc Kinh. Đây là cuộc họp thứ 2 diễn ra trong lịch sử Trung Quốc.
Điều đáng nói, tại buổi khai mạc, ông Mạnh được ưu tiên xếp ngồi cạnh nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong cuộc họp này, ông Tập đã có bài phát biểu bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Mạnh và Interpol.
Tuy nhiên, chỉ một năm sau, tên của vị Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc lại được nhắc tới nhưng trong một hoàn cảnh khác. Theo đó, vợ ông Mạnh ở Pháp thông báo ông Mạnh đã mất tích đầy bí ẩn trong chuyến bay trở về Trung Quốc hồi cuối tháng Chín. Thậm chí, ông Mạnh đã gửi bức ảnh một con dao cho vợ qua điện thoại vào ngày 25/9. Điều này phần nào ám chỉ ông Mạnh đang rơi vào tình thế nguy hiểm.
Hai ngày sau, ông Mạnh được thông báo đã bị bắt để phục vụ công tác điều tra của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc. Còn trong tuyên bố hôm 8/10, trên trang web chính thức, Bộ Công an Trung Quốc xác nhận, ông Mạnh đang bị giam giữ để điều tra hành vi "nhận hối lộ và tình nghi phạm pháp".
Bộ Công an Trung Quốc khẳng định, hành vi của ông Mạnh "gây tổn hại nghiêm trọng" cho đảng và ngành công an. Do đó, lực lượng đặc nhiệm sẽ điều tra bất cứ ai bị tình nghi nhận hối hộ cùng với ông Mạnh.
Từng nắm giữ những vị trí nhạy cảm chính trị
Trong hàng thập niên làm việc trong lĩnh vực hành pháp, ông Mạnh từng đảm nhận nhiều cương vị bao gồm cả những vị trí mang tính nhạy cảm chính trị như chống khủng bố và bảo vệ bờ biển.
Dù quyền cao chức trọng nhưng tiểu sử của ông Mạnh được công khai trên mạng Internet Trung Quốc lại khá sơ sài. Ông Mạnh được biết tới là người Hắc Long Giang, đã tốt nghiệp đại học Bắc Kinh và bắt đầu làm việc vào năm 1972. Ông Mạnh trở thành thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc vào năm 2004. Thông tin về sự nghiệp của ông Mạnh trong 3 thập niên cũng rất ít ỏi như ông từng giữ chức trợ lý Bộ trưởng và Tổng Cục trưởng Cục Kiểm soát Giao thông.
Tuy nhiên, thông tin về ông Mạnh trên trang web của Interpol có phần đầy đủ hơn. Cụ thể, ông Mạnh có kinh nghiệm 40 năm trong lĩnh vực cảnh sát và tư pháp, giám sát các vấn đề liên quan đến các tổ chức pháp lý, chống ma túy, chống khủng bố và an ninh biên giới cũng như nhập cư và hợp tác quốc tế.
Theo SCMP, một cuộc điều tra thông qua những thông tin được truyền thông Trung Quốc đăng tải trong nhiều năm cho thấy, ông Mạnh từng nắm vai trò quan trọng suốt 1 thập niên chống khủng bố tại nước nhà. Với cương vị Chủ tịch Ban Chống khủng bố khu vực thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, ông Mạnh từng nắm chức chỉ huy 2 cuộc diễn tập chống khủng bố với các nước thành viên ở khu tự trị Tân Cương vào các năm 2006 và 2011.
Vào tháng 4/2013, sau khi các cuộc xung đột đẫm máu bùng nổ khiến 21 người chết bao gồm 15 cảnh sát tại quận Bashu của Tân Cương, phát biểu trên CCTV, với cương vị là Giám đốc Văn phòng Chống khủng bố quốc gia, ông Mạnh khẳng định chính quyền Trung Quốc sẽ “triển khai mọi biện pháp cần thiết để trấn áp tuyệt đối các đối tượng gây bạo loạn, các hoạt động khủng bố và trừng phạt thích đáng theo luật pháp”.
Ngoài ra, vào năm 2013, ông Mạnh được bổ nhiệm là lãnh đạo đầu tiên của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc gồm 4 cơ quan hợp lại. Trong những năm gần đây, lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc là công cụ đắc lực để Bắc Kinh bành trướng và bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý mà nước này tuyên bố trên biển Hoa Đông và Biển Đông.
Còn theo SCMP, việc vợ ông Mạnh thông báo chồng mình mất tích bí ẩn sau chuyến bay trở về Trung Quốc, sau đó liên tiếp thông tin ông Mạnh bị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc điều tra cũng như Bộ Công an thông báo ông Mạnh bị tình nghi nhận hối lộ và đơn từ chức của ông Mạnh gửi tới Interpol cho thấy, Bắc Kinh có thể đặt vấn đề chính trị trong nước lên trên cả hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế cùng tham vọng đứng đầu các cơ quan quốc tế.